Bàn luận về văn hóa đọc của người Việt Nam

Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi: Tại sao, tại sao người Việt lại ít đọc sách đến thế? Điều này không dễ trả lời.

Cũng giống như bài về complexity theory, nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố tác động lẫn nhau, không thể quy cho 1 tác nhân đơn lẻ nào.

Trước hết, vấn nạn chủ yếu của chúng ta hiện nay không chỉ là sự thiên lệch quá đáng về phía vật chất mà coi nhẹ tinh thần. Dĩ nhiên, sau một thời kỳ khó khăn kéo dài, thì tâm lý chuộng vật chất là điều bình thường. Tuy nhiên, có một vấn đề mà không phải ai trong chúng ta – kể cả các nhà quản lý – cũng nhận thức được, đó là: vấn nạn lớn nhất của nước ta hiện nay không phải là kinh tế; vấn đề mang tính lâu bền và gốc rễ hơn nhiều là văn hóa. Văn hóa mới là cốt lõi của mọi vấn đề.

Nền văn hóa của một đất nước chắc chắn phải dựa trên nền tảng giáo dục. Nền giáo dục của chúng ta hiện nay, như tất cả chúng ta đều thấy, đang gây bức xúc lớn trong xã hội. Chính nền giáo dục đó đã không xây dựng được một nền văn hóa đọc.

Xem thêm Câu chuyện nghệ thuật: Tác phẩm kinh điển trong các đầu sách nghệ thuật

Đến đây lại có câu hỏi: Tại sao nền giáo dục đó lại chưa gây dựng được văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay?

Vì nền giáo dục quá chú trọng vào điểm chác, thi cử khoa bảng, chú trọng ghi nhớ dạng bài mẹo mực để đạt điểm cao, và đặc biệt là trào lưu học thêm đến hết ngày để nhằm: hoặc là học trước dạng bài mẹo mực để làm điểm thi cao, hoặc là lấy lòng thầy cô giáo.

Nền giáo dục listen and repeat này đã bóp nghẹt phần lớn thời gian tự suy ngẫm, tự trau dồi của mỗi cá nhân người học. Mà đọc sách lại yêu cầu điều này: đọc sách không phải là để đạt điểm cao như tầm chương trích cú, đọc sách là để suy ngẫm về 1 mảng kiến thức nào đó, cần thời gian. Nếu đọc sách mà vẫn không làm đúng dạng bài cô cho do không học thêm, thì đọc làm gì?

Suốt mấy chục năm nay, trong tất cả các cấp học, từ phổ thông cho đến đại học, người ta chưa bao giờ nghĩ đến việc tập cho học sinh có được một thói quen đọc sách, hướng dẫn cho các em lựa chọn sách, cách đọc sách. Ba yếu tố đó – thói quen đọc, khả năng lựa chọn, và cách đọc – hợp thành cốt lõi của cái mà chúng ta gọi là văn hóa đọc. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, người ta dạy trẻ em các điều này ngay từ khi các em còn nhỏ, cứ thế liên tục cho đến khi vào đại học.

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ hiện nay bị văn hóa nghe nhìn lôi cuốn mạnh hơn là văn hóa đọc. Ai cũng biết văn hóa nghe nhìn nặng về tính thông tin và giải trí nhưng nhẹ về tính giáo dục và tri thức. Văn hóa đọc ở Việt Nam thì ngược lại. Văn hóa nghe nhìn và văn hóa đọc bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau. Ở các nước có một nền giáo dục lành mạnh, văn hóa đọc sẽ giành lại được vị trí của mình.

Đối với một con người, sự học không chỉ dừng lại ở trường phổ thông, mà phần rất quan trọng là tự học, mà trong việc tự học thì đọc sách là quan trọng nhất. Thế nhưng ở nước ta, như tôi đã nói, từ hàng mấy chục năm qua, người ta không có thói quen đọc sách. Nhà trường đã không dạy cho trẻ em thói quen đọc sách, mà ở gia đình, ông bà, bố mẹ các em cũng không có thói quen đọc sách để truyền lại cho các em.

Nhiều Người Việt từ thời đi học đã vậy và cứ thế lớn lên, sống theo vòng xoáy của cuộc sống (cơm áo gạo tiền), văn hoá vật chất và nghe nhìn lên ngôi, cho nên sách đã không còn chỗ đứng. Vì: Đọc sách không trực tiếp tạo ra vật chất (tiền…) đối với họ, đơn giản vậy thôi.

Xin lưu ý thêm: ngay trong hàng ngũ giáo viên các cấp, Văn hóa đọc của người Việt Nam hiện nay cũng không nhiều.