Hướng dẫn ôn thi học sinh giỏi môn Địa Lý – Phần 10

      

D – ĐỊA LÍ KINH TẾ – XÃ HỘI VIỆT NAM

Câu 61. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích những thế mạnh và hạn chế chủ yếu của các đồng bằng duyên hải miền Trung đối với việc phát triển kinh tế. Từ đó nêu ra phương hướng khai thác và sử dụng có hiệu quả các đồng bằng này.

Gợi ý trả lời

1. Thế mạnh của các đồng bằng duyên hải miền Trung

a) Về tự nhiên       

Tuy thua kém đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, nhưng các đồng bằng duyên hải miền Trung vẫn nổi lên một số thế mạnh về tự nhiên sau đây:

– Các đồng bằng duyên hải miền Trung phân bố thành một chuỗi đồng bằng nhỏ hẹp dọc chân Trường Sơn, dạng cánh cung, diện tích không lớn (khoảng 15.000 km2), trong đó rộng nhất là đồng bằng Thanh Hóa (2.900 km2), hẹp nhất là đồng bằng Phan Rang (220 km2).

– Đất ở đây chủ yếu là đất cát pha, thích hợp với việc trồng cây hoa màu (ngô, khoai, sắn), cây công nghiệp hàng năm (mía, lạc, thuốc lá). Đất màu mỡ nhất là đất phù sa mới dọc các sông, thuận lợi cho thâm canh lúa nước. Rìa đồng bằng có đất phù sa cổ, đất feralit, một số nơi có đất đỏ badan như Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, có thể trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả.

– Sông ngòi dày đặc, tuy ngắn và dốc. Có một số sông lớn tạo nên các đồng bằng tương đối màu mỡ như sông Cả, sông Mã, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Đà Rằng. Đây là nguồn cung cấp nước quan trọng cho nông nghiệp

– Tài nguyên sinh vật tương đối phong phú, đa dạng, nhất là các vùng rìa đồng bằng, cửa sông, ven biển có rừng ngập mặn, các bãi triều, hệ sinh thái san hô… Ở ven biển Thừa Thiên – Huế có đầm phá, ở ven biển Nam Trung Bộ có vụng biển kín, thuận lợi để nuôi thuỷ sản. Có nhiều bãi tôm, bãi cá, gần ngư trường trọng điểm Ninh Thuận – Bình Thuận –  Bà Rịa – Vũng Tàu, thuận lợi cho hoạt động đánh bắt hải sản.

– Tài nguyên khoáng sản có giá trị hơn cả là cát thuỷ tinh (Hòn Gốm, Cam Ranh – Khánh Hòa). Cực Nam Trung Bộ có khả năng phát triển nghề muối.

– Tài nguyên du lịch rất phong phú, đặc biệt là du lịch biển. Dọc bờ biển có nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Lăng Cô, Non Nước, Sa Huỳnh, Mũi Né… 

b) Về kinh tế – xã hội 

– Mật độ dân số khá cao (trung bình từ 201 – 500 người/km2), nguồn lao động dồi dào, người dân có kinh nghiệm sản xuất, kiên cường trong đấu tranh. Đã hình thành một chuỗi các đô thị dọc ven biển, trong đó có các thành phố đồng thời cũng là các trung tâm công nghiệp quan trọng như Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang … 

– Các đồng bằng là trục kinh tế chính của Duyên hải miền Trung. Giao thông tương đối thuận tiện vì quốc lộ 1 và đường sắt Thống Nhất chạy qua tất cả các đồng bằng. Các tuyến đường ngang tạo nên mối liên hệ giữa vùng đồng bằng và miền đồi núi phía tây và với Lào, Tây Nguyên. Dọc bờ biển có nhiều cảng biển như Cửa Lò, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Cam Ranh,… 

c) Mỗi đồng bằng lại có thế mạnh riêng

– Đồng bằng Thanh Hóa: rộng, tương đối màu mỡ, có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp chuyên môn hóa là lúa, cây thực phẩm, mía, lạc, cây ăn quả, chăn nuôi lợn.

– Đối với đồng bằng Nghệ – Tĩnh thì phì nhiêu hơn cả là đồng bằng châu thổ sông Cả, dân cư tương đối đông đúc, có khả năng phát triển nông nghiệp gồm cả trồng trọt và chăn nuôi. Các sản phẩm nông nghiệp chuyên môn hóa của đồng bằng này là lúa, cây thực phẩm, cây ăn quả, lạc, chăn nuôi lợn, gia cầm.

– Đối với đồng bằng Bình – Trị – Thiên, rộng nhất là đồng bằng Thừa Thiên (900 km2). Dọc bờ biển có nhiều đầm phá thuận lợi để nuôi thủy sản. Có thành phố Huế và bãi biển Thuận An là nơi thu hút khách du lịch.

– Đồng bằng Nam – Ngãi – Định có tài nguyên du lịch phong phú (Phố cổ Hội An, di tích Mĩ Sơn, các bãi tắm đẹp như Mĩ Khê, Sa Huỳnh…) thuận lợi để phát triển du lịch.

– Đồng bằng Phú Yên, Khánh Hòa: phát triển ngành trồng lúa, du lịch biển.

– Đồng bằng Ninh Thuận – Bình Thuận có thể phát triển trồng bông, thuốc lá, cây ăn quả,…

2. Hạn chế của các đồng bằng duyên hải miền Trung

– Là vùng chịu ảnh hưởng nhiều bão nhất nước ta (tần suất bão từ 1,3 – 1,7 cơn bão/tháng). Nạn lũ lụt cũng thường xảy ra.

– Tình trạng hạn hán phổ biến ở duyên hải Nam Trung Bộ. Ở khu vực cực Nam Trung Bộ có hiện tượng hoang mạc hóa.

– Nạn cát bay phổ biến  dọc duyên hải, nhất là các tỉnh Bắc Trung Bộ.

– Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất – kĩ thuật nhìn chung còn thấp kém.

3. Phương hướng

– Hình thành nền kinh tế với cơ cấu đa dạng.

+ Nông nghiệp: sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gia cầm,…

+ Thuỷ sản: đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản.

+ Phát triển du lịch, nhất là du lịch biển.

+ Giao thông vận tải biển.

+ Phát triển các ngành công nghiệp chế biến.

– Phải chú ý đến các đặc điểm riêng của từng địa phương trong quá trình khai thác các đồng bằng.

– Tạo ra thế liên hoàn về cơ cấu lãnh thổ giữa đồng bằng, vùng biển, thềm lục địa ở phía đông và khu vực đồi núi ở phía tây.

 

Câu 62. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy giải thích tại sao việc hình thành cơ cấu công nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải sẽ tạo bước ngoặt quan trọng cho việc hình thành cơ cấu kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ.

Gợi ý trả lời

1. Khái quát

Giới thiệu khái quát về Bắc Trung Bộ (phạm vi, giới hạn lãnh thổ, diện tích, dân số, GDP của vùng).

2. Các nguyên nhân chủ yếu

a) Bắc Trung Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp

– Nguồn nguyên liệu từ khoáng sản. 

+ Tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú, chỉ đứng sau Trung du và miền núi Bắc Bộ. Kim loại có mỏ sắt ở Thạch Khê (Hà Tĩnh) trữ lượng lớn nhất cả nước (60% trữ lượng cả nước), crômit (Cổ Định – Thanh Hóa), thiếc (Quỳ Hợp – Nghệ An), mangan (Nghệ An), titan (ven biển Hà Tĩnh), cao lanh (Quảng Bình), đá quý ở miền Tây Nghệ An.

+ Nguyên liệu từ ngành nông – lâm – thuỷ sản.

– Lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ.

– Trong vùng đã hình thành một số trung tâm công nghiệp ở các đô thị lớn (như Bỉm Sơn, Thanh Hóa, Vinh, Huế) và nhiều điểm công nghiệp.

b) Hiện trạng phát triển công nghiệp của vùng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu.

Hoạt động công nghiệp mới định hình với một vài trung tâm công nghiệp quy mô nhỏ (dưới 9 nghìn tỉ đồng): Bỉm Sơn, Thanh Hóa, Vinh, Huế. Còn lại là các điểm công nghiệp.

Cơ cấu ngành kém đa dạng, chủ yếu là cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Nhiều tài nguyên khoáng sản vẫn còn ở dạng tiềm năng hoặc chưa được khai thác đáng kể (nhất là sắt ở Thạch Khê).

– Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông vận tải còn nhiều hạn chế.

c) Phát triển cơ sở hạ tầng cùng với các ngành công nghiệp nhiều tiềm năng là bước đi tất yếu để hình thành cơ cấu kinh tế của vùng.

– Công nghiệp sẽ trở thành khu vực cốt lõi trong cơ cấu nền kinh tế.

– Giao thông vận tải là tiền đề để hình thành cơ cấu kinh tế của Bắc Trung Bộ.

 

Câu 63. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích các nguồn lực, hiện trạng phát triển và phân bố công nghiệp của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Gợi ý trả lời

1. Khái quát 

Giới thiệu khái quát về Duyên hải Nam Trung Bộ (phạm vi, giới hạn lãnh thổ, diện tích, dân số, GDP của vùng).

2. Các nguồn lực phát triển

– Vị trí địa lí

+ Phía đông của vùng được bao bọc bởi Biển Đông. Phía bắc giáp Bắc Trung Bộ, phía tây giáp một phần với Lào và phần chủ yếu với Tây Nguyên, phía nam giáp Đông Nam Bộ.

+ Duyên hải Nam Trung Bộ ở vị trí trung gian, nằm trên các trục giao thông quan trọng như quốc lộ 1, đường sắt Bắc – Nam và các quốc lộ Đông – Tây nối với Tây Nguyên và Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Đông Bắc Campuchia. Trong vùng có nhiều địa điểm thuận lợi để xây dựng các cảng nước sâu (Liên Chiểu, Tiên Sa, Dung Quất, Vân Phong, Cam Ranh) gần đường hàng hải quốc tế, cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên. Đây là điều kiện thuận tiện cho việc xuất nhập khẩu các loại hàng hóa.

– Nguồn lực tự  nhiên

+ Khoáng sản ở đây tuy không phong phú và đa dạng như vùng Bắc Trung Bộ hay Tây Bắc, Đông Bắc, nhưng cũng có một số loại có giá trị như vật liệu xây dựng (đặc biệt là các mỏ cát thuỷ tinh ở tỉnh Khánh Hoà), vàng ở Bồng Miêu (Quảng Nam). Dầu khí đã được khai thác trên thềm lục địa ở cực Nam Trung Bộ. Tuy nhiên việc khai thác bị hạn chế.

– Sông ngòi chủ yếu là ngắn, dốc (dẫn chứng) và thủy chế khá thất thường. Trên một số hệ thống sông lớn (sông Ba), có thể xây dựng các nhà máy thủy điện công suất trung bình và nhỏ. Đây cũng là nguồn cung cấp nước quan trọng cho sản xuất nông nghiệp. 

– Độ che phủ của rừng còn lớn. Trong rừng có nhiều loại gỗ, tạo tiền đề cho việc phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản (dẫn chứng).

–  Các loại tài nguyên về đất, khí hậu… tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp, thủy sản, cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

– Nguồn lực kinh tế – xã hội

+ Dân cư tập trung ở các đô thị duyên hải phía Đông với nguồn lao động đông đảo.

+ Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất, kĩ thuật phục vụ công nghiệp.

+ Thị trường tiêu thụ.

+ Chính sách phát triển của Nhà nước.

+ Nguồn vốn đầu tư,…

3. Hiện trạng phát triển và phân bố công nghiệp

– Công nghiệp (và xây dựng) chiếm tỉ trọng tương đối khá trong cơ cấu GDP (36,6%).

– Tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của các tỉnh trong vùng so với cả nước còn thấp. 

+ Mức cao nhất từ trên 1đến 2,5% chỉ có duy nhất Khánh Hòa. 

+ Từ 0,5 đến 1%: 3 tỉnh (Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định).

+ Các tỉnh còn lại dưới 0,5%.

– Cơ cấu ngành được hình thành theo thế mạnh của vùng, bao gồm:

+ Công nghiệp khai thác khoáng sản: vàng (Bồng Miêu), ti tan (Bình Định), cát thủy tinh (Khánh Hòa).

+ Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Tam Kì (Quảng Nam). Ngành này phát triển dựa trên cơ sở nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú (cát xây dựng).

+ Công nghiệp cơ khí (chủ yếu là cơ khí sửa chữa và lắp ráp các phương tiện vận tải) phân bố ở nhiều nơi như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang.

+ Công nghiệp đóng tàu: Đà Nẵng.

+ Công nghiệp hóa chất: Đà Nẵng, Nha Trang.

+ Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm:

·  Quy mô: có 1 trung tâm quy mô lớn (Nha Trang); 2 trung tâm quy mô vừa (Đà Nẵng, Quy Nhơn); 2 trung tâm quy mô nhỏ (Quảng Ngãi, Phan Thiết).

·  Cơ cấu đa dạng, gồm 5 phân ngành:

Phần lớn các tỉnh đều có ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản. Đây là ngành truyền thống với nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường (nước mắm Nha Trang, Phan Thiết,…).

Công nghiệp sản xuất rượu, bia, nước giải khát khá phát triển dựa vào nguồn nước khoáng (Vĩnh Hảo, Hội Vân) và sự phát triển của du lịch.

Công nghiệp sản xuất đường, sữa, bánh kẹo: Nha Trang (Khánh Hòa).

Công nghiệp chế biến các sản phẩm chăn nuôi phát triển dựa trên sự có mặt của ngành chăn nuôi gia súc (Quy Nhơn và Nha Trang).

Công nghiệp chế biến cà phê có ở Nha Trang trên cơ sở nguồn nguyên liệu cà phê nhập từ Tây Nguyên.

+ Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng: 

·      Công nghiệp dệt – may, da – giày là những ngành sử dụng nhiều lao động, có khả năng xuất khẩu, được phát triển ở những đô thị lớn như Đà Nẵng, Nha Trang.

·      Công nghiệp sản xuất gỗ giấy, xenlulô phát triển dựa trên nguồn nguyên liệu từ Tây Nguyên phân bố ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Nha Trang.

– Các trung tâm công nghiệp đều có quy mô trung bình và nhỏ. Lớn nhất là: Đà Nẵng, Nha Trang (quy mô 9 – 40 nghìn tỉ đồng). Ngoài ra còn có Quảng Ngãi, Quy Nhơn,  Phan Thiết (quy mô dưới 9 nghìn tỉ đồng). Các trung tâm công nghiệp nằm rải rác dọc duyên hải. Những trung tâm có cơ cấu đa dạng thường tập trung ở các thành phố lớn (Đà Nẵng, Nha Trang).

– Nhiều khu kinh tế ven biển đã được hình thành nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế  ở khu vực duyên hải và thu hút đầu tư nước ngoài. Đi dọc từ Bắc vào Nam đó là: Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên (Phú Yên), Vân Phong (Khánh Hòa).

– Hình thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).

 

Câu 64. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy chứng minh rằng Tây Nguyên là vùng giàu tiềm năng nhưng nền kinh tế vẫn chưa phát triển. Giải thích rõ nguyên nhân.

Gợi ý trả lời

1. Tây Nguyên là vùng giàu tiềm năng để phát triển kinh tế

a) Vị trí địa lí 

– Phía đông tiếp giáp với Duyên hải Nam Trung Bộ, phía nam giáp Đông Nam Bộ – một vùng kinh tế quan trọng của cả nước. Nhờ đó, Tây Nguyên dễ dàng tiếp nhận nguồn vật tư kĩ thuật, thiết bị, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ các vùng khác chuyển đến. Ngược lại, các loại nông, lâm sản của Tây Nguyên cũng có điều kiện thuận lợi trong việc chuyển đến các vùng khác trong cả nước và để xuất khẩu.

– Phía tây giáp Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia với vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng (vị trí ngã ba Đông Dương).

– Các mối giao lưu kinh tế của Tây Nguyên với các vùng trong nước chủ yếu thông qua các tuyến đường bộ cắt ngang cao nguyên nối với các thành phố và thị xã ven biển Nam Trung Bộ (như đường 19, 24, 25, 26, 27), hay nối với Đông Nam Bộ, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh (như đường 14, 20),…

b) Tài nguyên thiên nhiên

– Đất: đất feralit phát triển trên đá badan có tầng phong hoá sâu, rất giàu dinh dưỡng, phân bố tập trung với những mặt bằng rộng lớn, thuận lợi cho việc hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp quy mô lớn.

– Khí hậu mang tính chất cận xích đạo với một mùa mưa và một mùa khô kéo dài (4-5 tháng), lại có sự phân hoá theo đai cao, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Mùa khô kéo dài nên việc phơi sấy, bảo quản sản phẩm dễ dàng.

Do ảnh hưởng của độ cao nên Tây Nguyên có thể trồng cả cây nhiệt đới (cà phê, cao su, hồ tiêu) lẫn cây có nguồn gốc cận nhiệt (chè). Ngoài ra, với khí hậu mát mẻ trên các cao nguyên, nơi đây còn có khả năng thu hút khách du lịch (Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng). 

– Tài nguyên nước khá phong phú, nhất là nước ngầm có ý nghĩa đối với cây trồng nói chung và cây công nghiệp nói riêng vào mùa khô. Một số sông có giá trị lớn về thuỷ điện như Xê Xan, Xrêpôc, Đồng Nai.

– Tài nguyên rừng phong phú bậc nhất nước ta:

+ Rừng chiếm 36% diện tích đất có rừng và 52% sản lượng gỗ có thể khai thác được của cả nước.

Rừng có chất lượng với hơn 3000 loài thực vật bậc cao, trong đó có khoảng 600 loài cây gỗ lớn chất lượng tốt như trắc, cẩm lai, hương, lim, gụ, sến, nghiến,…

+ Trữ lượng gỗ trong rừng chiếm khoảng 45% trữ lượng gỗ cả nước. Hằng năm cho sản lượng gỗ khai thác khoảng 700 nghìn m3 (chiếm 20% sản lượng khai thác gỗ cả nước).

+ Trong rừng còn có nhiều động vật rừng quý hiếm như voi, hổ, tê giác, sơn dương, nhiều loại chim thú quý và đẹp.

Với sự đa dạng sinh học, rừng Tây Nguyên có giá trị không chỉ về kinh tế, mà còn cả về du lịch.

– Về khoáng sản, đáng chú ý nhất là bôxit với trữ lượng vài tỉ tấn.

c) Kinh tế –  xã hội 

 Dân cư và lao động

+ Là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc ít người (Xơđăng, Bana, Giarai, Êđê, Cơho, Mạ, M’nông) với truyền thống văn hoá, phong tục tập quán, kinh nghiệm sản xuất độc đáo.

+ Là địa bàn thu hút mạnh nhất dân cư, lao động từ các tỉnh trong cả nước.

– Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kĩ thuật:

+ Đường Hồ Chí Minh tạo ra trục xương sống nối Tây Nguyên với các tỉnh phía Bắc và phía Nam đất nước.

+ Cơ sở vật chất – kĩ thuật phục vụ sản xuất đang được hoàn thiện.

– Đường lối, chính sách:

+ Bước đầu thu hút được một số dự án đầu tư. 

+ Có nhiều chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế. 

2. Nền kinh tế vẫn còn kém phát triển

– Tỉ trọng GDP của vùng thấp nhất trong cả nước (năm 2007 chỉ chiếm 3,8%).

– Cơ cấu GDP theo ngành thể hiện trình độ phát triển thấp: tỉ trọng của khu vực nông, lâm, thủy sản còn lớn (53,2%), trong khi đó công nghiệp, dịch vụ lại nhỏ (46,8% năm 2007).

– Các ngành kinh tế còn kém phát triển.

+ Nông nghiệp, lâm nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng (dẫn chứng).

+ Công nghiệp phát triển chậm nhất nước ta (dẫn chứng).

+ Giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn (dẫn chứng).

+ Thương mại kém phát triển, giá trị xuất nhập khẩu của các tỉnh còn thấp (dẫn chứng).

3. Giải thích

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng nền kinh tế của Tây Nguyên vẫn chưa phát triển là do những khó khăn:

a) Về kinh tế – xã hội

– Đây là địa bàn cư trú của các dân tộc ít người, mật dộ dân số thấp nhất nước ta (29 người/km2 – 2008 so với cả nước là 260 người/km2), trình độ dân trí thấp, thiếu lao động, đặc biệt là lao động có kĩ thuật.

– Mạng lưới đô thị thưa thớt, quy mô nhỏ.

– Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất – kĩ thuật nhìn chung còn nghèo nàn, lạc hậu (dẫn chứng).

– Thiếu vốn đầu tư để phát triển kinh tế và các lí do khác (khai thác quá mức…).

b) Về tự nhiên

– Mùa khô sâu sắc, kéo dài gây thiếu nước nghiêm trọng.

– Quá trình xói mòn, rửa trôi đất khiến đất đai bị bạc màu.

– Nguy cơ cháy rừng lớn vào mùa khô.

Câu 65. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích các nguồn lực và hiện trạng phát triển cây công nghiệp lâu năm ở vùng này.

Gợi ý trả lời

Tây Nguyên gồm các tỉnh Kon Tum, Gia lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với diện tích 55,6 nghìn km2. Đây là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn thứ 2 của cả nước sau Đông Nam Bộ.

1. Các nguồn lực  chủ yếu để phát triển cây công nghiệp 

a) Thuận lợi

* Điều kiện tự nhiên 

– Đất đai

+ Đất feralit phát triển trên đá badan, có tầng phong hoá sâu, giàu dinh dưỡng.

+ Diện tích rộng (1,4 triệu ha), chiếm 2/3 diện tích đất badan của cả nước, phân bố tập trung với những mặt bằng rộng lớn, thuận lợi cho việc hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn.

– Khí hậu

+ Khí hậu có tính chất cận xích đạo với 2 mùa rõ rệt, thuận lợi cho việc phơi sấy, bảo quản sản phẩm vào mùa khô.

+ Do ảnh hưởng của độ cao nên khí hậu có sự phân hoá:

·  Ở các cao nguyên có độ cao 400 – 500m, khí hậu khô nóng thích hợp cho việc trồng các cây công nghiệp nhiệt đới: cà phê, cao su, hồ tiêu. Diện tích cà phê ở Tây Nguyên chiếm 4/5 diện tích trồng cà phê của cả nước. Tây Nguyên cũng là vùng trồng cao su lớn thứ hai ở nước ta, sau Đông Nam Bộ.

·  Các cao nguyên trên 1000m có khí hậu mát mẻ khá thuận lợi cho việc trồng các loại cây có nguồn gốc cận nhiệt. Cây chè được trồng ở Lâm Đồng, Gia Lai.

– Tài nguyên nước khá phong phú, nhất là nước ngầm có ý nghĩa đặc biệt vào mùa khô

* Điều kiện kinh tế –  xã hội 

– Tuy là vùng thưa dân nhất nước ta, nhưng việc phát triển vùng chuyên canh trong chừng mực nhất định đã được bổ sung nguồn lao động đến từ nhiều vùng của đất nước.

– Bên cạnh các nông trường quốc doanh, việc phát triển rộng rãi mô hình kinh tế vườn đã góp phần tận dụng sức lao động, mở rộng diện tích, tăng sản lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất.

– Tuyến đường 14 và các tuyến đường ngang nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, tuyến đường 20 nối Lâm Đồng với thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện cho giao lưu kinh tế, cho xuất khẩu các sản phẩm cây công nghiệp của vùng.

– Việc đảm bảo lương thực, thực phẩm cho Tây Nguyên tạo điều kiện ổn định diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm.     

– Thị trường trong và ngoài nước đối với các sản phẩm từ cây công nghiệp lâu năm ngày càng được mở rộng.

b) Khó khăn

* Tự nhiên

– Mùa khô kéo dài, mực nước ngầm hạ thấp dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất.

– Đất đai bị xói mòn nghiêm trọng vào mùa mưa, nếu lớp phủ rừng bị tàn phá.

* Kinh tế –  xã hội

– Dân cư thưa thớt, mật độ dân số thấp nhất cả nước nên vùng thiếu lao động, đặc biệt là lực lượng lao động lành nghề và đội ngũ cán bộ khoa học kĩ thuật. Trình độ dân trí còn thấp, đời sống của đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn.

– Cơ sở vật chất – kĩ thuật nói chung còn hạn chế.

– Cơ sở hạ tầng, trước hết là mạng lưới đường giao thông của vùng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.

– Công nghiệp trong vùng đang trong giai đoạn hình thành nên mới chỉ có các điểm công nghiệp.

2. Hiện trạng phát triển

a) Tình hình chung

– Về quy mô, đây là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn thứ 2 của nước ta sau Đông Nam Bộ.

– Cơ cấu cây công nghiệp lâu năm đa dạng, gồm cả các cây công nghiệp nhiệt đới (cà phê, cao su, hồ tiêu) lẫn các cây công nghiệp cận nhiệt đới như chè.

– Tỉ lệ diện tích gieo trồng cây công nghiệp so với tổng diện tích gieo trồng cao nhất cả nước. Có 4/5 tỉnh đạt trên 50%.

– Diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm lớn nhất nước ta.

– Phân bố nhiều nhất ở Đắk Lắk (255 nghìn ha), Lâm Đồng, Gia Lai.

b) Các cây công nghiệp lâu năm chủ yếu

* Cà phê

– Tây Nguyên là vùng chuyên canh cây cà phê lớn nhất nước ta. Cà phê là cây quan trọng nhất trong cơ cấu diện tích cây công nghiệp lâu năm của vùng.

– Phân bố:

+ Cà phê chè được trồng ở những nơi tương đối cao, khí hậu mát mẻ của các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng.  

+ Cà phê vối được trồng ở những vùng nóng hơn như Đắk Lắk.

– Diện tích trồng cà phê lớn nhất thuộc về tỉnh Đắk Lắk.

– Cà phê Buôn Mê Thuật nổi tiếng có chất lượng cao.

* Cao su 

– Tây Nguyên là vùng trồng cao su lớn thứ 2 sau Đông Nam Bộ.

– Cao su được trồng chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.

* Chè được trồng chủ yếu trên các cao nguyên như Lâm Đồng và một phần ở Gia Lai. Lâm Đồng là tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước.

Các cây công nghiệp lâu năm khác như hồ tiêu, điều được trồng ở Đắk Lắk, Đắk Nông. 

 

Câu 66. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích những điều kiện để phát triển cây cà phê ở Tây Nguyên. Để phát triển ổn định cây cà phê ở Tây Nguyên, cần phải quan tâm đến những giải pháp chủ yếu nào?

Gợi ý trả lời

1. Điều kiện phát triển cây cà phê ở Tây Nguyên

a) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

– Địa hình với các cao nguyên xếp tầng như Kon Tum, Di Linh, Lâm Viên, Đắk Lắk, Mơ Nông, Pleiku có bề mặt tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc hình thành vùng chuyên canh cà phê quy mô lớn.

– Đất badan chiếm diện tích lớn (1,4 triệu ha), là vùng có diện tích đất badan lớn nhất nước ta, lại tập trung thành vùng rộng. Loại đất này tơi xốp, giàu dinh dưỡng, tầng phong hóa dày rất thích hợp với cây cà phê.

– Khí hậu cận xích đạo nóng quanh năm, thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển cây cà phê. Khí hậu có sự phân hóa theo độ cao. Vì vậy, ở các cao nguyên thấp như Đắk Lắk, Mơ Nông, Pleiku có thể trồng cà phê vối, cà phê mít cho năng suất cao và ổn định, còn ở các cao nguyên có độ cao trên 500m, khí hậu mát mẻ thì trồng cà phê chè. Mùa khô sâu sắc kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4, thuận lợi cho phơi sấy, bảo quản sản phẩm.

– Nguồn nước trên mặt và nước ngầm phong phú là điều kiện rất quan trọng đối với cây cà phê. Khó khăn lớn nhất là thiếu nước nghiêm trọng trong mùa khô.

b) Điều kiện kinh tế – xã hội

– Đây là vùng dân cư thưa thớt nên thiếu lao động. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Tây Nguyên đã nhận hàng vạn lao động đến từ các vùng khác tới nên tình trạng thiếu lao động phần nào đã được khắc phục.

– Cơ sở vật chất kĩ thuật: 

+ Đã hình thành một số cơ sở chế biến.

+ Đổi mới công nghệ chế biến cà phê.

– Nhu cầu cà phê trên thế giới rất lớn, đặc biệt là thị trường EU, Bắc Mĩ. Tuy nhiên, giá cà phê bấp bênh trên thị trường thế giới đã có những tác động nhất định đến quy mô sản xuất của vùng.

– Hàng loạt chính sách đã có tác dụng thúc đẩy sản xuất cà phê:

+ Phân bố lại dân cư và lao động giữa các vùng trong nước.

+ Đổi mới cơ chế quản lí trong nông nghiệp: giao đất, giao rừng, phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại.

+ Chính sách khuyến khích phát triển cây công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu.

+ Chính sách phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng miền núi, trung du (trong đó có Tây Nguyên).

2. Các giải pháp chủ yếu

– Hoàn thiện quy hoạch vùng chuyên canh cây cà phê gắn với việc phát triển thủy lợi và bảo vệ vốn rừng.

– Tăng cường cơ sở vật chất – kĩ thuật cho vùng chuyên canh, đặc biệt là các cơ sở chế biến.       

– Ngăn chặn nạn di dân tự phát, đảm bảo lương thực cho người dân an tâm sản xuất.

– Đổi mới cơ chế tổ chức và quản lí việc trồng, chế biến và xuất khẩu cà phê.

 

Câu 67. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, hãy chứng minh Đông Nam Bộ là vùng có nền kinh tế phát triển nhất so với các vùng khác trong cả nước.

Gợi ý trả lời

1. Có nền kinh tế phát triển nhất

– Tỉ trọng GDP của vùng so với cả nước năm 2007 là 32,3%. So với các vùng khác, tỉ trọng này cao hơn nhiều. Cụ thể là:

+ So với Đồng bằng sông Hồng (23%) gấp 1,4 lần.

+ So với Đồng bằng sông Cửu Long (17,6%) gấp 1,8 lần.

+ So với vùng có quy mô GDP nhỏ nhất (Tây Nguyên) gấp tới 8,5 lần.

– Có cơ cấu kinh tế tiến bộ nhất với khu vực II và III chiếm ưu thế tuyệt đối trong cơ cấu GDP của vùng. Khu vực I chỉ có 6,2% (năm 2007), ít hơn nhiều so với Đồng bằng sông Hồng (14%) và Đồng bằng sông Cửu Long (42,8%). 

– Có GDP bình quân theo đầu người lớn nhất cả nước (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu trên 18 triệu đồng/người năm 2007).

– Có nhiều trung tâm kinh tế với quy mô GDP lớn nhất cả nước: có 1/2 trung tâm rất lớn trên 100 nghìn tỉ đồng (TP. Hồ Chí Minh), 2/4 trung tâm quy mô lớn (từ trên 15 đến 100 nghìn tỉ đồng).

2. Có các ngành kinh tế phát triển nhất

a) Công nghiệp

– Giá trị sản xuất công nghiệp của các tỉnh so với cả nước ở Đông Nam Bộ cao hơn các vùng khác: có 2/2 tỉnh cả nước đạt mức trên 10% (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai), 2/5 tỉnh từ 2,5 – 10% (Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai).

– Có nhiều trung tâm công nghiệp quy mô lớn nhất.

+ Có 1/2 trung tâm công nghiệp quy mô rất lớn (trên 120 nghìn tỉ đồng): TP. Hồ Chí Minh.

+ Có 3/4 trung tâm quy mô lớn (từ 40 – 120 nghìn tỉ đồng): Biên Hòa, Vũng Tàu, Thủ Dầu Một.

– Có cơ cấu ngành công nghiệp đa dạng và hoàn chỉnh nhất: có đầy đủ tất cả các ngành có mặt ở Việt Nam.

– Các ngành công nghiệp trọng điểm phát triển nhất.

+ Công nghiệp năng lượng: là vùng duy nhất trong cả nước có ngành công nghiệp khai thác dầu khí, có các nhà máy điện chạy bằng tuabin khí với công suất lớn nhất cả nước (Phú Mỹ hơn 4.100MW).

+ Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng: có 4/6 trung tâm công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất cả nước.

+ Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm: có TP. Hồ Chí Minh là trung tâm lớn nhất cả nước.

b) Nông nghiệp

– Đông Nam Bộ là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất cả nước.

– Đứng đầu về diện tích trồng cây công nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp lâu năm:  nhiều tỉnh có diện tích gieo trồng cây công nghiệp cao nhất cả nước (Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai).

– Tỉ lệ diện tích gieo trồng cây công nghiệp so với tổng diện tích gieo trồng cao nhất cả nước (5/6 tỉnh đạt trên 50%).

– Đứng đầu về diện tích trồng cây cao su.

– Mức độ tập trung hóa đất đai dành cho cây công nghiệp lâu năm là lớn nhất cả nước (cao hơn cả Tây Nguyên lẫn Trung du và miền núi Bắc Bộ).

c) Giao thông

– Có TP. Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông lớn nhất cả nước.

 

– Có mạng lưới giao thông dày đặc nhất cả nước với nhiều tuyến huyết mạch có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế của vùng và cả nước (cả đường bộ, đường biển và đường hàng không).

– Cơ sở vật chất – kĩ thuật phục vụ cho ngành giao thông phát triển nhất: Tân Sơn Nhất là sân bay quốc tế lớn nhất, cảng Sài Gòn là cảng có năng lực bốc dỡ lớn nhất nước ta. 

d) Thương mại

– Nội thương phát triển nhất với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cao nhất cả nước (trung bình từ 12 – 16 triệu đồng/người, năm 2007).

– Ngoại thương phát triển nhất (trị giá xuất nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh là 36,4 tỉ USD so với Hà Nội là hơn 19,4triệu USD,…).

e) Du lịch

– TP. Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch quốc gia lớn nhất của cả nước. 

– Ngoài ra còn có Vũng Tàu là trung tâm du lịch vùng.     

 

Câu 68. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy giải thích tại sao Đông Nam Bộ là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước ta.

Gợi ý trả lời

1. Khái quát

Giới thiệu khái quát về Đông Nam Bộ

2. Đông Nam Bộ là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất của nước ta,  vì ở đây hội tụ nhiều thế mạnh về tự nhiên và kinh tế – xã hội.

a) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên 

– Địa hình tương đối bằng phẳng với độ cao trung bình 200 – 300m, thích hợp cho việc trồng và tập trung hóa đất đai cho cây công nghiệp.

– Chủ yếu là đất xám (700.000 ha) và đất đỏ badan trên vùng đồi lượn sóng, (600.000 ha) thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp. 

– Khí hậu nhiệt đới cận xích đạo, nhiều sông lớn (Đồng Nai và các phụ lưu là sông Bé, sông La Ngà và Vàm Cỏ…) với nguồn nước mặt phong phú, tạo điều kiện cho việc sinh trưởng và phát triển các cây công nghiệp. 

b) Điều kiện kinh tế – xã hội 

– Đông Nam Bộ là vùng có nguồn lao động dồi dào, đặc biệt là lao động có kinh nghiệm sản xuất và tay nghề tương đối cao.

– Trình độ phát triển kinh tế cao nhất cả nước.

– Mạng lưới đường xá, thông tin liên lạc, điện, nước thuộc loại tốt nhất cả nước về số lượng và chất lượng.

– Các cơ sở chế biến, hệ thống thuỷ lợi (đặc biệt là công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng) đảm bảo cho việc trồng và chế biến cây công nghiệp. Sử dụng các giống mới (giống cao su Malaixia) cho năng suất cao.

– Đông Nam Bộ có thị trường tiêu thụ rộng lớn (trong nước, ngoài nước). Trong vùng có nhiều đô thị lớn, nhất là TP. Hồ Chí Minh – một trung tâm công nghiệp lớn nhất nước ta.

– Các điều kiện khác:

Các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, năng động trong cơ chế thị trường.

+ Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trồng và chế biến cây công nghiệp ở Đông Nam Bộ.

+ Đông Nam Bộ là vùng có truyền thống về cây công nghiệp (riêng về cao su, các đồn điền đầu tiên đã xuất hiện  trên diện tích rộng từ năm 1914, đến năm 1940 đã đạt trên 7 vạn ha với sản lượng hơn 5 vạn tấn).

 

Câu 69. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy so sánh việc sản xuất cây công nghiệp lâu năm giữa hai vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Gợi ý trả lời

Khái quát chung về 2 vùng:

1. Giống nhau

a) Quy mô

– Là 2 vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất cả nước về diện tích lẫn sản lượng

– Có mức độ tập trung hóa đất đai tương đối cao. Các khu vực trồng cây công nghiệp lâu năm khá tập trung trên quy mô lớn, thuận lợi cho việc tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

b) Hướng chuyên môn hóa

– Đều là cây công nghiệp lâu năm.

– Đạt hiệu quả kinh tế cao với hướng chuyên môn hóa này.

c) Điều kiện phát triển 

– Điều kiện tự nhiên: 

+ Đều có một số loại đất quy mô lớn về diện tích, thích hợp đối với cây công nghiệp lâu năm.

+ Khí hậu cận xích đạo, nóng quanh năm, nhiệt độ thích hợp cho cây công nghiệp

+ Đều có mạng lưới sông ngòi có khả năng cung cấp nước cho nông nghiệp nói chung và cho cây công nghiệp nói riêng.

– Điều kiện kinh tế – xã hội:

+ Cả 2 vùng chuyên canh đều được hình thành từ lâu (ngay từ thời Pháp thuộc đã có đồn điền cà phê và cao su).

+ Dân cư đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chế biến cây công nghiệp lâu năm.

+ Được sự quan tâm, thông qua các chính sách của Nhà nước về phát triển cây công nghiệp, đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến.

+ Thu hút được một số dự án đầu tư ở trong và ngoài nước.

2. Khác nhau       

a) Quy mô

– Đông Nam Bộ là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất cả nước.

– Tây Nguyên là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn thứ hai.

b) Hướng chuyên môn hóa

– Đông Nam Bộ chuyên canh một số cây công nghiệp lâu năm, trong đó cao su là cây quan trọng nhất. Cây cà phê đứng thứ hai sau Tây Nguyên. Ngoài ra còn có một vài cây khác như hồ tiêu, điều,…

– Ở Tây Nguyên, cà phê là cây quan trọng số 1, tiếp đến là cao su,…

c) Điều kiện sản xuất

– Điều kiện tự nhiên 

+ Địa hình:

·  Tây Nguyên có địa hình là những cao nguyên xếp tầng, độ cao trung bình là 500 – 600m, với những mặt bằng rộng, thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp lâu năm.

·  Đông Nam Bộ có địa hình là những vùng đồi lượn sóng khá bằng phẳng, có độ cao trung bình 200 – 300m.

+ Khí hậu:

·  Đông Nam Bộ có khí hậu cận xích đạo, nhiệt độ cao khá ổn định với 2 mùa trong năm, nhưng mùa khô không khắc nghiệt như Tây Nguyên.

·  Tây Nguyên có khí hậu cận xích đạo với mùa khô dài hơn, có sự phân hóa theo độ cao, mùa khô thiếu nước trầm trọng, mực nước ngầm hạ thấp.

+ Đất đai: 

·  Tây Nguyên: đất đỏ badan màu mỡ, diện tích lớn, phân bố thành những mặt bằng rộng.

·  Đông Nam Bộ gồm có đất xám và đất đỏ ba dan, diện tích rộng.

– Điều kiện kinh tế – xã hội:

+ Dân cư, lao động.

·  Đông Nam Bộ có dân cư đông với truyền thống trồng cây công nghiệp.

·  Tây Nguyên dân cư thưa thớt, trình độ thâm canh còn thấp.

+ Cơ sở vật chất – kĩ thuật, cơ sở hạ tầng.

·  Đông Nam Bộ: 

Đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất – kĩ thuật phục vụ cho sản xuất. 

Có nhiều cơ sở công nghiệp chế biến; thu hút được đầu tư.

Giao thông thuận tiện, gần các trung tâm công nghiệp lớn.

·  Tây Nguyên:

Còn nghèo về cơ sở vật chất kĩ thuật, cơ sở hạ tầng yếu kém.

Xa các trung tâm công nghiệp lớn.

 

Câu 70. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1. Phân tích những điều kiện để phát triển cây cao su ở Đông Nam Bộ. 

2. Trình bày các giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh hơn nữa việc trồng và chế biến sản phẩm từ cây cao su.

Gợi ý trả lời

1. Điều kiện để phát triển cây cao su ở Đông Nam Bộ 

Cây cao su là cây ưa nhiệt ẩm, không chịu được gió bão, thích hợp với đất badan và đất xám phù sa cổ. Đông Nam Bộ là vùng chuyên canh cây cao su lớn nhất nước ta do có nhiều thế mạnh để phát triển cây này.

a) Điều kiện tự nhiên 

– Địa hình đồi lượn sóng, độ cao trung bình 200 – 300m, thuận lợi để hình thành vùng chuyên canh cao su trên quy mô lớn.

– Có 2 loại đất chính là đất đỏ badan và đất xám phù sa cổ. Đất đỏ badan chiếm 40% diện tích đất tự nhiên của vùng, phân bố chủ yếu ở Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đất xám bạc màu ít hơn, tuy nghèo dinh dưỡng nhưng thoát nước tốt, phân bố ở Tây Ninh, Bình Phước. Đây là 2 loại đất thích hợp nhất với cây cao su. Mức độ tập trung hóa đất đai cao cũng là điều kiện để phát triển sản xuất trên quy mô lớn.

– Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa mang tính chất cận xích đạo, nóng quanh năm, ít chịu ảnh hưởng của gió bão, thuận lợi cho việc sinh trưởng và phát triển của cây cao su.

– Nguồn nước phong phú, kể cả nước trên mặt và nước ngầm, đảm bảo nước tưới cho sản xuất. 

b) Điều kiện kinh tế – xã hội

– Dân cư đông, nguồn lao động dồi dào. Người dân có truyền thống, kinh nghiệm trồng, chăm sóc, chế biến cao su. Đội ngũ công nhân lành nghề, sớm tiếp thu nền kinh tế thị trường, thuận lợi phát triển nền sản xuất hàng hóa.

– Cơ sở vật chất – kĩ thuật, cơ sở hạ tầng thuộc loại tốt  nhất cả nước. 

+ Các đồn điền cao su đã có mặt từ thời Pháp thuộc. Hiện nay có các cơ sở chế biến cao su hiện đại và một số công trình thuỷ lợi mà tiêu biểu là hồ Dầu Tiếng,…

+ Có cơ sở hạ tầng với mạng lưới giao thông vào loại tốt nhất cả nước.

– Có các dự án thu hút đầu tư nước ngoài về trồng và chế biến cao su .

– Có TP.Hồ Chí Minh, trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước.

– Có cảng Sài Gòn thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán.

2. Các giải pháp chủ yếu

– Xây dựng các công trình thuỷ lợi để đảm bảo nước tưới cho cây cao su (vì ở Đông Nam Bộ, thuỷ lợi là vấn đề có ý nghĩa hàng đầu).

– Tăng sản lượng cao su bằng cách thay thế những giống cao su có năng suất mủ thấp bằng giống cao su của Malaixia có năng suất cao.

– Phát triển công nghiệp chế biến mủ cao su.

– Tìm kiếm thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. 

 

Câu 71. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy trình bày vấn đề phát triển tổng hợp kinh tế biển ở Đông Nam Bộ.

Gợi ý trả lời

1. Vai trò của kinh tế biển trong nền kinh tế 

Kinh tế biển của Đông Nam Bộ đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế của vùng, nhất là từ khi phát hiện và đ­ưa vào khai thác các mỏ dầu, khí đốt. Trong tư­ơng lai khi công nghiệp hoá dầu hình thành nó sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế của vùng. 

2.  Đông Nam Bộ có nhiều thế mạnh để phát triển tổng hợp kinh tế biển

– Tài nguyên dầu mỏ và khí tự nhiên có trữ lượng lớn với giá trị kinh tế cao. Hai bể dầu lớn nhất nước ta là Cửu Long và Nam Côn Sơn đều thuộc vùng biển của Đông Nam Bộ. 

– Nguồn lợi hải sản phong phú vì gần các ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu và ngư trường Cà Mau – Kiờn Giang.

– Vùng biển Đông Nam Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển do nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông. Dọc bờ biển có các vụng biển kín, thuận lợi cho xây dựng cảng nước sâu (cảng ở Vũng Tàu). Vùng cửa sông cũng thuận lợi cho xây dựng cảng: cảng Sài Gòn (sông Sài Gòn),…

– Đông Nam Bộ có thế mạnh để phát triển du lịch biển – đảo. Các điểm du lịch biển nổi tiếng như ở Vũng Tàu, Côn Đảo,…

– Dân cư có truyền thống và kinh nghiệm khai thác các tài nguyên biển (khai thác hải sản).

– Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kĩ thuật phục vụ các ngành kinh tế biển tương đối phong phú, có chất lượng.

+ Cơ sở hạ tầng: đường xá, thông tin liên lạc, điện, nước. 

+ Cơ sở vật chất kĩ thuật: cơ sở đánh bắt và chế biến; cảng biển,…

3. C¸c ngµnh kinh tÕ biÓn

a) Khai thác dầu khí

Hiện nay ở Đông Nam Bộ mới chỉ có khai thác và dịch vụ dầu khí. Trong tương lai sẽ phát triển công nghiệp lọc dầu, hóa dầu.

– Dầu mỏ được khai thác từ năm 1986 với quy mô ngày càng lớn. Năm 2005, sản lượng khai thác đạt mức cao nhất là 18,5 triệu tấn. Các mỏ dầu lớn gồm Hồng Ngọc, Rạng Đông, Đại Hùng, Bạch Hổ và các mỏ khí lớn gồm Lan Đỏ, Lan Tây.

– Việc phát triển công nghiệp dầu khí của vùng đã mang lại hiệu quả lớn về kinh tế và xã hội:

+ Khí thiên nhiên được dùng làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện tuốc bin khí Phú Mĩ I, II, III và sản xuất phân đạm. 

+ Dầu thô trước mắt là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, góp phần thu ngoại tệ, tích lũy vốn cho phát triển kinh tế. 

+ Việc phát triển công nghiệp lọc hóa dầu và các ngành dịch vụ dầu khí trong tương lai sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, sự phân hóa lãnh thổ và nâng cao vị thế của vùng trong nền kinh tế đất nước.

+ Giải quyết việc làm cho một bộ phận nguồn lao động.

b) Ngành khai thác thuỷ sản kết hợp với chế biến  thuỷ  hải sản

– Sản lượng thuỷ sản khai thác năm 2007 đạt 245 nghìn tấn, chiếm 11,8% cả nước.

– Cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trong vùng cũng như phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu (TP. Hồ Chí Minh và Vũng Tàu là 2 trung tâm công nghiệp có ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản tương đối phát triển).

c) Phát triển giao thông vận tải biển

– Đông Nam Bộ có cảng Sài Gòn có năng lực bốc dỡ lớn.

– Từ cảng Sài Gòn có nhiều tuyến đường biển tới các cảng trong nước và quốc tế:

+ Trong nước: TP. Hồ Chí Minh – Hải Phòng; TP. Hồ Chí Minh – Phan Thiết,…

+ Quốc tế: TP. Hồ Chí Minh – Hồng Kông; TP. Hồ Chí Minh – Vlađivôxtôc; TP. Hồ Chí Minh – Xingapo; TP. Hồ Chí Minh – Băng Cốc,…

d) Phát triển du lịch biển

Vùng đã và đang phát triển mạnh du lịch biển với trung tâm Vũng Tàu và các điểm du lịch như Côn Đảo, Long Hải …

 

Câu 72. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1. So sánh các trung tâm công nghiệp ở Đông Nam Bộ.

2. Giải thích tại sao các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất được phân bố nhiều nhất ở Đông Nam Bộ.

Gợi ý trả lời

Ở Đông Nam Bộ có 4 trung tâm công nghiệp là TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Vũng Tàu.

1. So sánh

a) Sự giống nhau

– Đều là nhng trung tâm có quy mô vào loại lớn nhất cả nước với giá trị sản xuất công nghiệp từ 40 đến 120 nghìn tỉ đồng/trung tâm trở lên.

– Đều nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

– Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất – kĩ thuật khá tốt và đồng bộ.

– Nguồn lao động đông đảo, có trình độ kĩ thuật cao.

– Cơ cấu ngành đa dạng.

b) Sự khác nhau

Tiêu chí

TP. Hồ Chí Minh

Thủ Dầu Một

Biên Hoà

Vũng Tàu

 

Quy mô

Rất lớn, giá trị sản xuất công nghiệp trên 120 nghìn tỉ đồng.

Quy mô lớn, giá trị sản xuất công nghiệp từ 40 – 120 nghìn tỉ đồng. 

Quy mô lớn, giá trị sản xuất công nghiệp từ 40 – 120 nghìn tỉ đồng.

Quy mô lớn, giá trị sản xuất công nghiệp từ 40 – 120 nghìn tỉ đồng.

 

 

 

 

 

Nguồn lực phát triển

– Là đỉnh của tam giác tăng trưởng kinh tế, trung tâm kinh tế, công nghiệp và dịch vụ lớn nhất cả nước.

– Liền kề với Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm lương thực, thực phẩm lớn nhất của cả nước.

–  Dân cư đông. 

– Thị trường tiêu thụ tại chỗ rất lớn.

– Thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất cả nước.

– Liền kề với TP. Hồ Chí Minh – trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước.

– Vị trí thuận lợi về giao thông đường bộ.

– Là đỉnh của tam giác tăng trưởng kinh tế, liền kề với TP. Hồ Chí Minh – trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước.

– Vị trí thuận lợi về giao thông đường bộ;  nơi giao nhau của các tuyến đường quốc lộ 1 và quốc lộ 51 đi Vũng Tàu.

– Là đỉnh của tam giác tăng trưởng kinh tế, giáp vùng biển giàu tiềm năng.

– Có tiềm năng dầu khí lớn ở vùng thềm lục địa và là cơ sở dịch vụ dầu khí hàng đầu của cả nước.

Cơ cấu ngành công nghiệp 

Rất đa dạng, bao gồm 12 ngành, trong đó có các ngành mà trung tâm Biên Hoà và Vũng Tàu không có như luyện kim đen, luyện kim màu, lắp ráp ô tô…

Cơ cấu ít đa dạng hơn, bao gồm 6 ngành.

Cơ cấu khá đa dạng, bao gồm 8 ngành.

Cơ cấu khá đa dạng, bao gồm 8 ngành, trong đó có những ngành đặc thù như khai thác dầu khí, điện từ tuốcbin khí.

2. Giải thích

Các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất được phân bố nhiều nhất ở Đông Nam Bộ vì:

– Vùng có vị trí địa lí thuận lợi cho phát triển sản xuất, cho việc xuất và nhập hàng hóa, máy móc thiết bị.

– Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

– Kết cấu hạ tầng tốt, đặc biệt là mạng lưới giao thông vận tải, thông tin liên lạc, khả năng cung cấp điện nước.

– Nguồn lao động đông đảo với chất lượng tốt.

– Thị trường tiêu thụ rộng lớn cả trong nước và ngoài nước.

– Kinh tế phát triển cao hơn các vùng khác. 

– Các nguyên nhân khác: cơ chế quản lí có nhiều đổi mới, năng động thích hợp với cơ chế thị trường,…

 

Câu 73. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích cơ cấu kinh tế theo ngành và theo lãnh thổ của Đồng bằng sông Cửu Long.

Gợi ý trả lời

1. Cơ cấu kinh tế theo ngành

a) Cơ cấu GDP

– Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 17,6% GDP của cả nước (năm 2007). Cơ cấu GDP của vùng thể hiện đặc điểm của một nền kinh tế vẫn còn nặng về khu vực I; còn khu vực II và III chậm phát triển.

Cụ thể: Năm 2007, khu vực nông, lâm thủy sản chiếm tỉ trọng cao nhất (42,8%), khu vực dịch vụ đứng thứ 2 (33%), trong khi đó công nghiệp và xây dựng chiếm tỉ trọng thấp nhất (24,2%).

– So với cơ cấu kinh tế cả nước và cơ cấu kinh tế của những vùng có nền kinh tế phát triển như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng, cơ cấu GDP của vùng còn nhiều hạn chế:

+ Tỉ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản cao hơn mức bình quân cả nước (42,8% so với 20,3%), cao hơn nhiều 2 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng (6,2% và 14%).

+ Tỉ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng thấp hơn mức bình quân cả nước (24,2% so với 41,5%) chứng tỏ tốc độ công nghiệp hóa của vùng còn chậm. Trong khi đó, tỉ lệ này ở Đông Nam Bộ là 65,1% và Đồng bằng sông Hồng là 42,2%.

– Tuy nhiên, ở một số trung tâm kinh tế của vùng như Cần Thơ, Cà Mau, Mĩ Tho, Long Xuyên thì lại khác. Ở đây, ưu thế thuộc về khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực dịch vụ. Tỉ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản khá thấp (dưới 15%  so với mức bình quân của vùng là 42,8%).

b) Cơ cấu trong nội bộ từng ngành 

– Cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghiệp đều mang những đặc trưng của vùng đồng bằng:

+ Trong nông nghiệp, cây lương thực chiếm ưu thế với lúa là cây chủ đạo (chiếm hơn 90% diện tích gieo trồng cây lương thực). Trong ngành chăn nuôi chủ yếu phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm.

+ Trong công nghiệp, các ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng chiếm ưu thế (nhằm tận dụng lợi thế về tài nguyên và lao động).

– Một số ngành trọng điểm trong cơ cấu ngành kinh tế của vùng:

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm lúa số 1 của nước ta với diện tích và sản lượng lúa chiếm tỉ trọng cao nhất cả nước. Nhiều tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất cả nước (Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng…).

+ Thủy sản là ngành kinh tế trọng điểm với sản lượng thủy sản chiếm tỉ trọng cao nhất cả nước. Giá trị sản xuất thủy sản trong cơ cấu nông, lâm, thủy sản của nhiều tỉnh đạt rất cao (trên 50%).

+ Công nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm là một thế mạnh nổi bật của vùng với cơ cấu ngành đa dạng: công nghiệp chế biến lương thực; chế biến thủy hải sản, chế biến sản phẩm chăn nuôi, công nghiệp rượu, bia, nước giải khát, công nghiệp chế biến đường sữa, bánh kẹo.

+ Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng (nhất là ngành dệt – may) mới phát triển trong những năm gần đây, nhưng có tốc độ tăng trưởng nhanh. Cần Thơ và Tân An là 2 trung tâm sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất của vùng.

– Nhìn chung, cơ cấu kinh tế còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của vùng.

2. Cơ cấu lãnh thổ kinh tế

a) Hoạt động kinh tế tập trung ở một số tỉnh như Cần Thơ, Cà Mau, Long An, Tiền Giang, An Giang.

– Đây là những tỉnh có các trung tâm kinh tế lớn nhất của vùng: Cần Thơ (quy mô GDP từ 10 – 15 nghìn tỉ đồng), Mĩ Tho (tỉnh Tiền Giang), Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Long Xuyên (tỉnh An Giang) quy mô dưới 10 nghìn tỉ đồng.

– Đây là những tỉnh có tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất vùng: Cần Thơ, Cà Mau , Long An (1 – 2,5%), Tiền Giang, An Giang (0,5 – 1%).

– Có các trung tâm công nghiệp lớn nhất, cơ cấu ngành đa dạng nhất trong vùng: 

+ Cần Thơ quy mô 9 – 40 nghìn tỉ đồng. Cơ cấu ngành gồm dệt may, chế biến lương thực – thực phẩm, nhiệt điện, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, hóa chất, luyện kim đen.

+ Cà Mau (9 – 40 nghìn tỉ đồng) gồm có các ngành: chế biến lương thực – thực phẩm, nhiệt điện, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất.

+ Mĩ Tho (dưới 9 nghìn tỉ đồng): dệt – may, chế biến lương thực – thực phẩm, điện tử.

–  Là những tỉnh trọng điểm lúa của vùng và cả nước (số liệu).

– Có kim ngạch xuất nhập khẩu tương đối cao, trong đó chủ yếu là xuất khẩu (số liệu).

b) Một số tỉnh như Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang có cơ cấu kinh tế lạc hậu, nông nghiệp còn chiếm  tỉ trọng rất cao. Công nghiệp nhỏ bé, giá trị sản xuất công nghiệp so với cả nước chiếm tỉ trọng nhỏ (dưới 0,5%).

 

Câu 74. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1. Giải thích vì sao đồng bằng sông Cửu Long lại trở thành vùng trọng điểm lương thực, thực phẩm lớn nhất nước ta.

2. Tìm dẫn chứng để chứng minh Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất nước ta.

Gợi ý trả lời

1. Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất nước ta  vì có những  tiềm năng to lớn:

a) Về tự nhiên

– Đất phù sa màu mỡ, đặc biệt là nhóm đất phù sa ngọt với 2,6 triệu ha (chiếm 65% diện tích toàn vùng), trong đó có khoảng 1 triệu ha đất tốt nhất, phân bố ở ven sông Tiền, sông Hậu. Đây là loại đất cho năng suất lúa cao.

– Khí hậu mang tính chất cận xích đạo. Tổng số giờ nắng trung bình từ 2200 – 2700 giờ. Nhiệt độ cao, ổn định với nhiệt độ trung bình năm 25 – 270C. Lượng mưa lớn từ 1400 – 1800mm, tập trung vào các tháng mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11).

– Hệ thống sông ngòi dày đặc với hàng nghìn cây số kênh rạch, cắt xẻ châu thổ thành những ô vuông, khiến cho giao thông trở nên dễ dàng và là cơ sở để nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt.

– Ở đây còn có 25 cửa sông cùng vùng bãi triều rộng khoảng 48 vạn ha, trong đó gần 30 vạn ha có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ.

– Trữ lượng cá biển chiếm tới 1/2 trữ lượng của cả nước.

b) Về kinh tế –  xã hội

– Dân số đông, năm 2007 là 17,5 triệu người, mật độ trung bình 435 người/km2.Nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ tại chỗ rộng lớn (gần thành phố Hồ Chí Minh). 

– Tập quán và truyền thống sản xuất chủ yếu là gieo trồng lúa, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản. Bản chất người lao động là cần cù, thẳng thắn, thật thà, năng động, nhạy bén với sản xuất hàng hoá.

– Có thị trường rộng lớn (trong nước, thế giới).

– Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước với các chính sách khuyến nông, khuyến ngư,…

2. Thực tế trong thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã sản xuất ra một khối lượng lương thực, thực phẩm lớn nhất của cả nước

a) Về lương thực

– Là vùng trọng điểm lúa số 1 với diện tích, sản lượng lớn nhất cả nước.

– Tỉ lệ diện tích trồng lúa chiếm trên 90% so với diện tích cây lương thực.

– Là vùng có diện tích và sản lượng lúa lớn nhất so với các vùng khác.

– Có nhiều tỉnh trọng điểm lúa (có diện tích và sản lượng lúa trên 1 triệu tấn): Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang.

b) Về thực phẩm

– Là vùng sản xuất thực phẩm lớn nhất nước ta, đặc biệt là thủy sản nước ngọt (dẫn chứng).

– Giá trị sản xuất của ngành thủy sản chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu nông, lâm, thủy sản (có những tỉnh đạt trên 50%).

– Sản lượng thủy sản chiếm tỉ trọng cao nhất cả nước.

– Các tỉnh có sản lượng đánh bắt và nuôi trồng lớn là Kiên Giang (399 nghìn tấn), An Giang (315 nghìn tấn), Cà Mau (287 nghìn tấn).

– Các sản phẩm của ngành chăn nuôi cũng góp phần làm phong phú thêm nguồn thực phẩm của vùng. Đáng chú ý là lợn và gia cầm. Đây là vùng có đàn vịt đông nhất nước ta.

 

Cõu 75. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1. Trình bày hiện trạng ngành trồng lúa và chăn nuôi của Đồng bằng sông Cửu Long.

2. Giải thích nguyên nhân.

Gợi ý trả lời

1. Hiện trạng ngành trồng lúa và chăn nuôi của Đồng bằng sông Cửu Long

a) Ngành trồng lúa

– Là vùng trọng điểm lúa số một của cả nước.

– Tỉ lệ diện tích trồng lúa chiếm trên 90% so với diện tích cây lương thực.

– Là vùng có diện tích và sản lượng lúa lớn nhất so với các vùng khác.

– Có nhiều tỉnh trọng điểm lúa (có diện tích và sản lượng lúa trên 1 triệu tấn): Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang.

b) Ngành chăn nuôi

– Chủ yếu là chăn nuôi lợn và vịt (dẫn chứng).

– Nhìn chung, chăn nuôi phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

2. Giải thích

a) Ngành trồng lúa phát triển vì: 

– Thế mạnh về tự nhiên:

+ Diện tích đất phù sa lớn nhất cả nước. 

+ Đất phù sa được sông Tiền, sông Hậu bồi đắp thường xuyên nên rất màu mỡ, thuận lợi cho việc trồng lúa, nhất là dải đất phù sa ngọt ven sông Tiền và sông Hậu.

+ Khí hậu cận xích đạo, nguồn nhiệt ẩm dồi dào thuận lợi cho sự phát triển, sinh trưởng của cây lúa.

+ Nguồn nước dồi dào do có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc.

– Thế mạnh về kinh tế – xã hội:

+ Dân đông, kinh nghiệm trồng lúa và trình độ thâm canh đang được nâng lên. Người lao động khá năng động, thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường.

+ Được chú trọng đầu tư (thuỷ lợi, phân bón, giống, cơ sở hạ tầng,…).  

b) Ngành chăn nuôi

– Chăn nuôi lợn và vịt chiếm ưu thế vì nguồn thức ăn sẵn có từ lương thực, sản phẩm phụ của ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản. Ngoài ra còn phải kể đến nguồn thức ăn tự nhiên, mặt nước nuôi thả (cho chăn nuôi vịt) lớn.

– Chăn nuôi phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vì hình thức chăn nuôi còn mang tính quảng canh, năng suất thấp, chưa chú trọng đầu tư thâm canh.

 

Cõu 76. Cho bảng số liệu sau đây: 

Sản lượng thuỷ sản của cả nước và Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2007

 (Đơn vịnghìn tấn)

 

Cả nước

Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng sản lượng thuỷ sản

4197,8

2385,5

Khai thác

2074,5

858,9

              Trong đó: Cá biển

1433

544,1

Nuôi trồng 

2123,3

1526,6

             Trong đó: Cá nuôi

1433

544,1

                             Tôm nuôi  

384,5

309,5

         Kết hợp với Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1. Trình bày hiện trạng phát triển và phân bố ngành thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long.

2. Giải thích tại sao Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có ngành thủy sản phát triển nhất nước ta.

Gợi ý trả lời

1. Hiện trạng phát triển và phân bố ngành thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long

a) Hiện trạng phát triển

– Vai trò của Đồng bằng sông Cửu Long trong sản xuất thủy sản của cả nước

Tỉ trọng sản lượng thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long so với cả nước

 (Đơn vị: %)

 

Cả nước

Đồng bằng sông Cửu Long

Các vùng khác

Tổng sản lượng thuỷ sản

100,0

56,8

43,2

Khai thác

100,0

41,4

58,6

Trong đó: Cá biển

100,0

37,9

62,1

Nuôi trồng 

100,0

71,9

28,1

Trong đó: Cá nuôi

100,0

72,9

27,1

                           Tôm nuôi 

100,0

80,5

19,5

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có ngành thủy sản phát triển nhất nước ta:

+ Sản lượng thủy sản chiếm tới 56,8% tổng sản lượng thủy sản cả nước.

+ Chiếm phần lớn tỉ trọng sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước (71,9%), trong đó riêng tôm nuôi 80,5%, cá nuôi 72,9%.

+ Thủy sản khai thác tuy chiếm tỉ trọng nhỏ hơn so với thủy sản nuôi trồng, nhưng cũng chiếm tới 41,4%.

– Cơ cấu ngành thủy sản: 

Cơ cấu sản lượng thủy sản của cả nước và Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2007

 (Đơn vị: %)

 

Cả nước

Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng sản lượng thuỷ sản

100,0

100,0

Khai thác

49,4

36,0

                Trong đó: Cá biển

34,1

22,8

Nuôi trồng 

50,6

64,0

                 Trong đó: Cá nuôi

36,4

46,7

                                 Tôm nuôi  

9,2

12,9

+ Cũng giống như cơ cấu chung của cả nước, ở Đồng bằng sông Cửu Long có tỉ trọng sản lượng thủy sản nuôi trồng cao hơn thủy sản đánh bắt (64% so với 34%). Điều này cho thấy hoạt động nuôi trồng thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây phát triển nhanh. 

+ Đối tượng nuôi trồng phong phú, đa dạng, nhưng nhiều nhất vẫn là cá (46,7% tổng sản lượng thủy sản và 73,1% sản lượng thủy sản nuôi). Tiếp đến là tôm (với tỉ lệ tương ứng là 12,9% và 20,3%). Các đối tượng khác chiếm tỉ trọng không đáng kể (6,6% sản lượng thủy sản nuôi trồng).

– Tỉ trọng giá trị sản xuất thủy sản trong tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thuỷ sản của vùng.

Thủy sản giữ vai trò quan trọng, nhất là đối với các tỉnh ven biển (thường đạt trên 30% so với mức bình quân cả nước là 26,4%). Hai tỉnh có tỉ trọng cao nhất cả nước là Bạc Liêu và Cà Mau (hơn 50%).

b) Phân bố

– Khai thác thủy sản: 

Tập trung chủ yếu ở các tỉnh ven biển như Kiên Giang (315 nghìn tấn), Cà Mau (137 nghìn tấn), Bến Tre (76 nghìn tấn), Tiền Giang (75 nghìn tấn), Bạc Liêu (68 nghìn tấn), Trà Vinh (60 nghìn tấn).  Các tỉnh còn lại phần lớn đều dưới 10 nghìn tấn.

– Nuôi trồng thủy sản 

Với diện tích mặt nước rộng, hoạt động nuôi trồng thủy sản phân bố rộng khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hai tỉnh có sản lượng thủy sản nuôi trồng lớn nhất là An Giang (264 nghìn tấn), Đồng Tháp (230 nghìn tấn). Tiếp đến là Cần Thơ (150 nghìn tấn), Cà Mau (149 nghìn tấn), Bạc Liêu (129 nghìn tấn), Sóc Trăng (104 nghìn tấn). Các tỉnh có sản lượng từ 70 – 100 nghìn tấn là Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Kiên Giang. Hai tỉnh có sản lượng nhỏ nhất là Long An và Hậu Giang.

– Tính chung các tỉnh có sản lượng thủy sản lớn nhất bao gồm  Kiên Giang (399 nghìn tấn), An Giang (315 nghìn tấn), Cà Mau (287 nghìn tấn), Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bến Tre (sản sản lượng thủy sản của các tỉnh này chiếm gần 70% sản lượng thủy sản của cả vùng). 

2. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có ngành thuỷ sản phát triển nhất nước ta là do:

+ Có vùng biển rộng, nước biển ấm, thềm lục địa nông.

+ Tập trung nhiều bãi tôm, bãi cá lớn. Trữ lượng cá biển chiếm 1/2 cả nước.

Có ngư­ trường trọng điểm Cà Mau – Kiên Giang, gần ngư ­tr­ường Bà Ra – Vũng Tàu.

+ Khí hậu nhiệt đới nóng quanh năm, thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loài sinh vật biển, đặc biệt hầu như­ không có bão nên tàu thuyền đánh bắt cá có thể hoạt động suốt cả năm.

+ Hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, nhiều bãi triều rộng lớn thuận lợi cho việc nuôi thuỷ sản.

+ Dân cư­ có truyền thống đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản.

+ Có  sự hỗ trợ của công nghiệp chế biến.

+ Thị trường tiêu thụ lớn (trong nước và quốc tế), nhất là các thị trường tiềm năng như Hoa Kì, EU,…

 

Câu 77. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, chứng minh rằng khu vực trung du, miền núi và cao nguyên của nước ta có tiềm năng to lớn về tự nhiên để phát triển các ngành kinh tế.  

Gợi ý trả lời

Trung du, miền núi và cao nguyên nước ta chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ. Đây là những vùng có tiềm năng to lớn về tự nhiên để phát triển các ngành kinh tế.

a) Tiềm năng  khoáng sản cho phát triển công nghiệp

Tài nguyên khoáng sản nước ta phân bố chủ yếu ở khu vực miền núi, trong đó tập trung nhiều nhất ở Trung du và miền núi Bắc Bộ.

– Than đá, chủ yếu là than Antraxit có trữ lượng lớn tại khu vực Đông Bắc. 

– Quặng sắt với hàm lượng kim loại cao tập trung ở Thái Nguyên, Yên Bái, Hà Giang

– Nhiều mỏ quặng kim loại màu nằm tập trung ở khu Đông Bắc (khu Tây Bắc có ít hơn). Tây Nguyên có bôxit với trữ lượng hàng tỉ tấn.

– Phần lớn các mỏ ở phía Bắc nước ta gần vùng nguyên liệu, năng lượng thuận tiện cho việc xây dựng các khu liên hợp (thí dụ như Thái Nguyên).

b) Đất trồng cây công nghiệp

Đất badan màu mỡ, tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng cây công nghiệp lâu năm có giá trị như cao su, cà phê, chè (Tây Nguyên có 1,4 triệu ha đất badan). Ngoài ra, còn có đất feralit phát triển trên đá vôi và các loại đá khác chiếm ưu thế ở Trung du và miền núi Bắc Bộ cũng thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp. Vùng đồi trung du cũng là nơi phát triển tốt các loại cây ăn quả.

c) Phát triển nghề rừng và chăn nuôi

– Đại bộ phận núi và cao nguyên nước ta đều có lớp thực vật che phủ. Đó là nguồn lợi lớn về rừng (nhất là Tây Nguyên) và là một điều kiện thuận lợi cho việc phát triển khai thác lâm sản.

– Trên những mặt bằng của các cao nguyên, có thể phát triển đồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc (cao nguyên Mộc Châu ở phía Bắc, Tây Nguyên ở phía Nam).

d) Các con sông ở miền núi và cao nguyên là nơi có tiềm năng thuỷ điện phong phú

Tiềm năng thuỷ điện của nước ta rất lớn. Trên thực tế, chúng ta đã xây dựng các nhà máy thuỷ điện lớn trên các sông có nhiều thác ghềnh (Hoà Bình trên sông Đà, Yaly trên sông Xê Xan). Còn trên các sông suối nhỏ, có thể phát triển các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ phục vụ cho nhân dân địa phương.

e) Tiềm năng du lịch lớn

Ở phía Bắc (Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì) phát triển du lịch núi; ở Đông Bắc còn có du lịch biển (vịnh Hạ Long), Đà Lạt (Lâm Đồng) ở phía Nam cũng là trung tâm du lịch nổi tiếng của nước ta,…

 

Câu 78. Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên là hai vùng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế –  xã hội của nước ta. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1. So sánh những thế mạnh về tự nhiên để phát triển công nghiệp giữa hai vùng này.

2. Xác định tên, địa điểm xây dựng của các nhà máy thủy điện đang hoạt động ở mỗi vùng.

Gợi ý trả lời

1. So sánh những thế mạnh về tự nhiên để phát triển công nghiệp giữa hai vùng

a) Sự giống nhau

– Đều có những loại khoáng sản trữ lượng lớn, hoặc giá trị kinh tế cao.

– Đều có tiềm năng lớn về thuỷ điện (do sông ngòi dốc, nhiều thác ghềnh) đã và đang được khai thác.

b) Sự khác nhau

– Trung du và miên núi Bắc Bộ so với Tây Nguyên

+ Giàu khoáng sản hơn

Đây là vùng có tiềm năng khoáng sản lớn nhất nước ta.

·  Nhóm năng lượng, đặc biệt là than: Vùng than Quảng Ninh (trữ lượng hàng tỉ tấn, chủ yếu là than ăngtraxit) là vùng than lớn nhất nước ta. Ngoài ra còn có một số mỏ khác, quy mô nhỏ (Phú Lương, Quỳnh Nhai).

·  Nhóm kim loại đen và kim loại màu: sắt (Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên), thiếc (Cao Bằng, Tuyên Quang), chì – kẽm (Bắc Kạn), đồng – vàng (Lào Cai), đồng – niken (Sơn La) quy mô nhỏ.

·  Nhóm phi kim loại: Apatit (Lào Cai).

·  Nhóm vật liệu xây dựng: phân bố rộng khắp.

+ Tiềm năng về thuỷ điện rất lớn.

Tiềm năng về thuỷ điện lớn nhất so với các vùng khác trong cả nước. Hệ thống sông Hồng 11 triệu kW (chiếm 1/3 trữ năng thuỷ điện của cả nước). Riêng sông Đà gần 6 triệu kW. Tiềm năng này đang được khai thác mạnh mẽ nhằm đảm bảo nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của vùng và cả nước (đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Hồng).

+ Nguồn lợi lớn về hải sản, có khả năng phát triển ngành công nghiệp chế biến hải sản.

– Tây Nguyên so với Trung du và miền núi Bắc Bộ

+ Nghèo khoáng sản, chỉ có bôxit, trữ lượng rất lớn hàng tỉ tấn vẫn còn ở dạng tiềm năng (mới khai thác thí điểm).

+ Tiềm năng thuỷ điện nhỏ hơn. Hiện đã và đang xây dựng các bậc thang thủy điện trên hệ thống sông Xê Xan, Xrê pôk, Đồng Nai… 

+ Diện tích rừng lớn nhất cả nước (chiếm 36,5% diện tích đất có rừng, 52% sản lượng gỗ có thể khai thác của cả nước), có khả năng phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản.

2. Xác định tên, địa điểm xây dựng của các nhà máy thủy điện đang hoạt động ở mỗi vùng (dựa vào Atlat).

Tên nhà máy

Địa điểm

Tên nhà máy

Địa điểm

Trung du và miền núi Bắc Bộ

Tây Nguyên

Nậm Mu

Sông Lô

Đrây Hling

Sông Đắk Krông

Tuyên Quang

Sông Gâm

Đa Nhim

Sông Đa Nhim

Thác Bà

Sông Chảy

Yaly

Sông Xê Xan

Hòa Bình

Sông Đà

Xê Xan 3

Sông Xê Xan

 

 

Xê Xan 3A

Sông Xê Xan

 

Câu 79. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy so sánh sự phát triển ngành thuỷ sản của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Gợi ý trả lời

1. Giống nhau

a) Vai trò

– Gãp phÇn gi¶i quyÕt vÊn ®Ò thùc phÈm trong vïng.

– T¹o ra nguån hµng xuÊt khÈu quan träng.

b) Điều kiện phát triển

* Thế mạnh về tự nhiên

– Tất cả các tỉnh đều giáp biển.

– Có nhiều bãi tôm, bãi cá ven bờ và các ngư trường trọng điểm, thuận lợi cho việc đánh bắt.

– Có nhiều đầm phá, vũng vịnh thuận lợi nuôi trồng thuỷ sản.

* Thế mạnh về kinh tế – xã hội

– Dân cư đông, nguồn lao động dồi dào, ngư dân có kinh nghiệm trong hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản.

– Cơ sở vật chất – kĩ thuật phục vụ cho nghề cá ngày càng được quan tâm đầu tư: ngư cụ, tàu thuyền công suất lớn, công nghiệp chế biến thuỷ sản.

– Thị trường ngày càng mở rộng.

– Có nhiều chính sách khuyến ngư, chủ trương coi thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn nên được quan tâm đầu tư.

* Khó khăn:

– Thường xuyên có thiên tai (bão, lũ, hạn hán) ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản.

– Cơ sở vật chất – kĩ thuật, cơ sở hạ tầng nghề cá nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng (tàu công suất nhỏ, hệ thống cảng cá chưa được đầu tư, công nghiệp chế biến quy mô nhỏ).

c) Tình hình phát triển

Trong cơ cấu ngành thuỷ sản của cả hai vùng, sản lượng thuỷ sản khai thác đều chiếm tỉ trọng lớn hơn nuôi trồng.

2. Khác nhau

a) Vai trò 

– Tỉ trọng của ngành thuỷ sản trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của Bắc Trung Bộ thấp hơn Duyên hải Nam Trung Bộ:

+ Bắc Trung Bộ: cao nhất là Thừa Thiên – Huế và Quảng Bình cũng chỉ chiếm trên 20 – 30%, thấp nhất là mức 10 – 20%.

+ Duyên hải Nam Trung Bộ: cao nhất là Đà Nẵng (trên 50%). Phần lớn các tỉnh đều ở mức từ trên 30 – 50%. Thấp nhất là 2 tỉnh Quảng Nam và Phú Yên cũng chiếm từ 20 – 30% (bằng mức cao nhất ở Bắc Trung Bộ).

 

b) Điều kiện phát triển

– Nhìn chung hoạt động khai thác thuỷ sản của Duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn:

+ Đường bờ biển dài hơn.

+ Có ngư trường lớn Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu giàu nguồn lợi hải sản. Ngoài khơi là ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa.

+ Biển sâu hơn có điều kiện để phát triển cả nghề lưới giã và nghề câu khơi.

+ Chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc yếu hơn nên số ngày ra khơi nhiều hơn.

+ Có nhiều cơ sở công nghiệp chế biến thủy hải sản.

+ Có đội tàu thuyền công suất lớn được đầu tư để phát triển đánh bắt xa bờ.

– Nuôi trồng thuỷ sản ở Bắc Trung Bộ có nhiều ưu thế hơn do có nhiều vũng, vịnh, đầm phá, cửa sông ven biển,… Hiện nay nghề nuôi tôm trên cát đang phát triển mạnh.

c) Tình hình phát triển 

– Sản lượng thuỷ sản nói chung của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ cao hơn Bắc Trung Bộ. Hai tỉnh có sản lượng thuỷ sản lớn nhất đều thuộc Nam Trung Bộ (Bình Thuận 162 nghìn tấn, Bình Định 117 nghìn tấn).

– Sản lượng thuỷ sản khai thác của Duyên hải Nam Trung Bộ cao hơn so với Bắc Trung Bộ. Các tỉnh có sản lượng thuỷ sản khai thác lớn nhất là Bình Thuận (155 nghìn tấn), Bình Định (112 nghìn tấn), Quảng Ngãi (88 nghìn tấn) đều thuộc duyên hải Nam Trung Bộ. 

– Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng của Bắc Trung Bộ lại cao hơn Duyên hải Nam Trung Bộ. Hai tỉnh có sản lượng thủy sản nuôi trồng cao nhất vùng là Nghệ An (25 nghìn tấn), Thanh Hóa (21 nghìn tấn) đều thuộc Bắc Trung Bộ.

 

Câu 80. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1. Giải thích vì sao phải đặt vấn đề khai thác tổng hợp tài nguyên biển của nước ta.

2. Nêu ý nghĩa chiến lược của việc phát triển kinh tế – xã hội ở các huyện đảo trong nền kinh tế nước ta.

Gợi ý trả lời

1. Lí do phải khai thác tổng hợp tài nguyên biển

1.1. Sự giàu có về tài nguyên biển và ý nghĩa quan trọng của nó trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng

a) Giàu tài nguyên biển

– Tài nguyên sinh vật      

+ Nguồn lợi hải sản:

·      Nguồn lợi hải sản phong phú: tổng trữ lượng khoảng 3,9 – 4,0 triệu tấn, cho phép hằng năm có thể khai thác 1,9 triệu tấn. Vùng biển có hơn 2.000 loài cá (trong đó khoảng 100 loài có giá trị kinh tế cao); 1.647 loài giáp xác, 70 loài tôm, hơn 2.500 loài nhuyễn thể, trên 600 loài rong biển,…

·      Tập trung ở 4 ngư trường trọng điểm (Cà Mau – Kiên Giang, Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng – Quảng Ninh, Hoàng Sa – Trường Sa).

+ Một số đặc sản, đặc biệt là tổ yến (trên các đảo đá ven bờ biển Nam Trung Bộ).

– Tài nguyên khoáng, dầu khí (kết hợp với khai thác Atlat)

+ Sa khoáng (các mỏ sa khoáng ôxit titan có giá trị xuất khẩu, cát trắng ở Quảng Ninh, Cam Ranh là nguyên liệu quý để làm thuỷ tinh, pha lê,…).

+ Muối ăn (hằng năm cung cấp khoảng 80 vạn tấn).

+ Dầu mỏ (vài tỉ tấn), khí đốt (hàng trăm tỉ m3), tập trung ở các bể trầm tích chứa dầu ngoài thềm lục địa.

– Tài nguyên du lịch biển (khai thác Atlat)

+ Có khoảng 125 bãi biển kéo dài từ Trà Cổ cho đến Hà Tiên.

+ Nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng (đọc Atlat), đặc biệt là đoạn từ Đại Lãnh (Khánh Hoà) đến Mũi Né (Phan Thiết).

– Giao thông vận tải biển (kết hợp khai thác Atlat).

+ Nhiều vũng, vịnh có điều kiện để xây dựng các cảng nước sâu và trên thực tế đã hình thành mạng lưới cảng biển (đọc Atlat).

+ Gần đường hàng hải quốc tế.

b) Có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng

– Sự phong phú và khai thác tổng hợp tài nguyên biển là cơ sở để hình thành và phát triển các ngành kinh tế biển.

– Khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đảm bảo an ninh, quốc phòng cho đất nước.

1.2. Góp phần đảm bảo khai thác hợp lí, có hiệu quả đối với nguồn tài nguyên quý giá này

a) Việc khai thác các loại tài nguyên biển có liên quan nhằm hỗ trợ cho nhau cùng phát triển

– Khai thác hải sản phục vụ nhu cầu du khách và ngược lại, du lịch biển phát triển sẽ thúc đẩy ngành nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản.

– Tương tự như vậy đối với các ngành khác.

b) Hiệu quả

– Hiệu quả cao về kinh tế (nếu được khai thác tổng hợp).

 – Hiệu quả về xã hội (giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, du lịch,…).

1.3. Góp phần chống ô nhiễm và suy thoái môi trường biển

– Các thành phần của môi trường biển có quan hệ chặt chẽ với nhau. Chỉ cần một thành phần thay đổi sẽ dẫn đến thay đổi dây chuyền và ảnh hưởng rõ rệt đến môi trường biển.

– Sự nhạy cảm của môi trường biển trước tác động của con người.

– Khai thác tổng hợp góp phần bảo vệ môi trường biển.

2. Ý nghĩa  chiến lược của việc phát triển kinh tế – xã hội ở các huyện đảo trong nền kinh tế nước ta 

– Phát triển kinh tế với các ngành kinh tế biển làm cho các huyện đảo trở nên giàu mạnh.

+ Đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản và khai thác các đặc sản biển (bào ngư, đồi mồi, ngọc trai, tổ yến,…).

+ Phát triển công nghiệp chế biến thuỷ hải sản.

+ Phát triển du lịch biển – đảo.

+ Cung cấp hàng xuất khẩu có giá trị thu ngoại tệ lớn.

– Các huyện đảo là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền, là cơ sở để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới, khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vùng biển, hải đảo và thềm lục địa thuộc chủ quyền nước ta.

Câu 81. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, hãy:

1. Trình bày quá trình hình thành và phạm vi lãnh thổ của các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) ở nước ta.

2. Chứng minh rằng trong cơ cấu nền kinh tế của nước ta hiện nay, các vùng KTTĐ có vai trò đặc biệt quan trọng.

Gợi ý trả lời 

1. Quá trình hình thành và phạm vi lãnh thổ của các vùng kinh tế trọng điểm

a) Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc

– Đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX gồm 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.

 Từ sau năm 2000 đến trước 1-8-2008 vùng có thêm tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.

–  Từ sau tháng 8-2008, sau khi Hà Nội mở rộng (gồm Hà Tây, huyện Mê Linh – Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn – Hòa Bình), vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc có tất cả 7 tỉnh, gồm: Hà Nội (mở rộng), Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh.

b) Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

– Đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX, gồm 4 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

– Sau năm 2000 có thêm tỉnh Bình Định.

c) Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

– Đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX, gồm 5 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương.

– Sau năm 2000 có thêm 4 tỉnh là: Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.

2. Trong cơ cấu nền kinh tế nước ta hiện nay, các vùng KTTĐ có vai trũ đặc biệt quan trọng

a) Ba vùng KTTĐ đã hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lí, cơ sở hạ tầng và lao động kĩ thuật

– Ba vùng có diện tích chiếm 22,3% cả nước và 41,6% dân số cả nước.

– Ba vùng có vị trí địa lí thuận lợi cho sự phát triển kinh tế: giáp với vùng biển rộng lớn, gần tuyến hàng hải quốc tế; có các đầu mối giao thông lớn nhất cả nước: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.

– Ba vùng có ưu thế hơn hẳn các vùng khác về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất, kĩ thuật:

+ Hình thành hệ thống sân bay, cảng biển, đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng trong và ngoài nước. 

+ Ở đây đã hình thành hệ thống đô thị hạt nhân, tập trung các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học. 

+ Tập trung các đô thị lớn nhất nước ta như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu…, đồng thời cũng là các trung tâm kinh tế – thương mại – khoa học – kĩ thuật hàng đầu của cả nước.

– Tỉ lệ dân thành thị của 3 vùng cao gấp gần 2 lần mức trung bình cả nước. Trình độ dân trí và trình độ lao động kĩ thuật cao, lao động có chuyên môn kĩ thuật là 31,5% (cả nước 12,3%).

b) Ba vùng KTTĐ có tốc độ tăng trưởng nhanh và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của cả nước

– Tốc độ tăng trưởng kinh tế của ba vùng KTTĐ khá cao: giai đoạn 2001 – 2005 đạt 11,7%, trong khi cả nước khoảng 7,5%.

–  Mức đóng góp vào GDP cả nước của ba vùng là 61,9% (năm 2007).

c) Ba vùng KTTĐ là địa bàn tập trung phần lớn các khu công nghiệp và các ngành công nghiệp chủ chốt của cả nước

– Ba vùng tập trung khoảng 150 nghìn cơ sở công nghiệp, chiếm 23,6% số cơ sở công nghiệp của cả nước.

– Công nghiệp và xây dựng đã tạo ra 52,5% GDP của 3 vùng (năm 2005).

– Tập trung các ngành công nghiệp chủ chốt của đất nước.

d) Ba vùng KTTĐ có những đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài

– Ba vùng đóng góp tới 64,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước (năm 2005).

– Thu hút hơn 80% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta, nhất là vùng  KTTĐ phía Nam và phía Bắc.

 

Câu 82. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1. Giải thích tại sao nước ta phải hình thành các vùng KTTĐ.

2. So sánh thế mạnh và thực trạng phát triển kinh tế của 3 vùng KTTĐ (phía Bắc, phía Nam, miền Trung).

Gợi ý trả lời

1. Nước ta phải hình thành các vùng KTTĐ vì:

– Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, cần phải đầu tư có trọng điểm để tạo “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả nước.

– Nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội tuy phong phú đa dạng, nhưng lại có sự phân hóa giữa các vùng, trong khi nguồn vốn còn hạn chế đòi hỏi phải đầu tư có trọng điểm.

– Lựa chọn các vùng kinh tế trọng điểm để thu hút đầu tư nước ngoài.

– Ba vùng kinh tế trọng điểm là hạt nhân, lôi kéo sự phát triển của các vùng kinh tế khác.

2. So sánh thế mạnh và thực trạng phát triển của 3 vùng KTTĐ

2.1. Thế mạnh phát triển kinh tế 

a) Giống nhau

– Có vị trí địa lí đặc biệt thuận lợi để phát triển kinh tế.

– Có ưu thế hơn hẳn các vùng khác về tiềm lực cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kĩ thuật.

– Nguồn lao động dồi dào, có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao.

– Thu hút chủ yếu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước ta.

b) Khác nhau

* Ưu thế của vùng KTTĐ phía Bắc

– Có thủ đô Hà Nội, đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa vào loại lớn nhất của cả nước. 

– Hai tuyến quốc lộ 5 và 18 là hai tuyến giao thông huyết mạch gắn kết cả Bắc Bộ  với cụm cảng Cái Lân – Hải Phòng. 

– Nằm gần các nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, khoáng sản, thị trường lớn của cả nước (Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng).

– Nguồn lao động đông đảo, chất lượng đứng đầu của cả nước (lực lượng cán bộ có trình độ trên đại học chiếm 72,4% cả nước). 

– Có lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời nhất nước ta với nền văn minh lúa nước. 

– Các ngành công nghiệp phát triển rất sớm và có nhiều cơ sở công nghiệp có ý nghĩa toàn quốc.

– Có lợi thế phát triển dịch vụ – du lịch dựa trên thế mạnh vốn có về tài nguyên du lịch tự nhiên (vịnh Hạ Long, Cát Bà, Đồ Sơn…) và tài nguyên văn hóa – lịch sử (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh…).

* Ưu thế của vùng KTTĐ miền Trung.

– Vị trí chuyển tiếp giữa các vùng phía Bắc và các vùng phía Nam qua quốc lộ 1 và tuyến đường sắt Thống Nhất; có các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai và là cửa ngõ thông ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào.

– Có nhiều vịnh nước sâu như Chân Mây, Liên Chiểu, Dung Quất, thuận lợi cho việc xây dựng các cảng nước sâu, khu công nghiệp lọc dầu, các khu công nghiệp tập trung.

– Thế mạnh nổi bật của vùng là khai thác tổng hợp tài nguyên biển, khoáng sản, rừng để phát triển dịch vụ du lịch; công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản.

* Ưu thế của vùng KTTĐ phía Nam

– Bốn phía của vùng giáp với các không gian kinh tế đa dạng và phong phú. 

+ Phía đông là vùng biển rất giàu tiềm năng về dầu khí và hải sản.

+ Phía tây là cửa ngõ giao lưu với Campuchia và Thái Lan.

+ Phía bắc là Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, hai vùng nguyên liệu lớn về cây công nghiệp, rừng và thủy sản.

+ Phía nam là Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lương thực – thực phẩm lớn nhất nước ta.

– Tài nguyên thiên nhiên nổi trội nhất của vùng là dầu mỏ và khí đốt ở thềm lục địa, chiếm phần lớn trữ lượng dầu khí của nước ta.

– Tài nguyên đất, nước, khí hậu rất thuận lợi cho vùng phát triển cây công nghiệp.

– Mạng lưới sông ngòi trong vùng (sông Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ…) có giá trị cung cấp nước, thủy điện và là những tuyến giao thông thủy quan trọng.

– Dân cư đông, nguồn lao động dồi dào, chất lượng lao động tốt, là nơi tập trung đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn kĩ thuật lớn nhất cả nước. 

– Người lao động trong vùng năng động, sớm tiếp xúc với nền kinh tế thị trường nên thích ứng nhanh với tiến trình đổi mới của đất nước.

– Cơ sở vật chất – kĩ thuật và cơ sở hạ tầng tốt và hoàn thiện nhất nước ta. Trong đó, mạng lưới giao thông đã hình thành tương đối tốt so với các vùng khác.

– Vùng đã có được tiềm lực kinh tế mạnh nhất và trình độ phát triển kinh tế cao nhất so với các vùng khác trong cả nước.

2. 2. Thực trạng phát triển kinh tế

* Giống nhau.

– Tốc độ tăng trưởng nhanh và đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của cả nước.

– Mức đóng góp lớn vào GDP cả nước của ba vùng. 

– Có tác động mạnh mẽ tới các khu vực xung quanh.

– Địa bàn tập trung phần lớn các khu công nghiệp và các ngành công nghiệp chủ chốt của cả nước.

– Đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu cả nước và thu hút lớn vốn đầu tư nước ngoài.

– Trong cơ cấu kinh tế của ba vùng, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất và đang tăng lên.

Khác nhau

– Vùng KTTĐ phía Nam phát triển nhất, sau đó là vùng KTTĐ phía Bắc và vùng KTTĐ miền Trung. Điều đó, có thể thấy qua các tiêu chí so sánh sau đây:

Quy mô nền kinh tế của vùng KTTĐ phía Nam lớn nhất so với hai vùng còn lại, năm 2007 gấp 1,7 lần vùng KTTĐ phía Bắc, gấp 6,4 lần vùng KTTĐ miền Trung.

+ Trong tổng GDP của cả nước năm 2007, vùng KTTĐ phía Nam chiếm tới 35,4%; vùng KTTĐ phía Bắc 20%; vùng KTTĐ miền Trung 5,6%.

+ GDP bình quân đầu người của vùng KTTĐ phía Nam là 25,9 triệu đồng/người, cao hơn mức trung bình cả nước là 13,4 triệu đồng/người; cao hơn vùng KTTĐ phía Bắc và miền Trung (17,2 và 10,1 triệu đồng/người, năm 2007).

+ Vùng KTTĐ phía Bắc và phía Nam là hai vùng có tốc độ thu hút và thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao so với cả nước, còn vùng KTTĐ miền Trung thì thấp hơn nhiều.

– Trong cơ cấu kinh tế của mỗi vùng:

+ Vùng KTTĐ phía Bắc và miền Trung: khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỉ trọng nhỏ hơn so với khu vực dịch vụ, nhưng chênh nhau không lớn (chứng minh).

+ Vùng KTTĐ phía Nam: khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỉ trọng lớn hơn  nhiều so với khu vực dịch vụ (chứng minh).


…………………………………………

Xem thêm: Tài liệu Địa Lý lớp 12 chọn lọc

#tradapan