Hướng dẫn ôn thi học sinh giỏi môn Địa Lý – Phần 9

      

D – ĐỊA LÍ KINH TẾ – XÃ HỘI VIỆT NAM

Câu 41. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy nhận xét và giải thích tình hình phát triển, phân bố ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

Gợi ý trả lời

1. Tình hình phát triển

a) Nhận xét

– Tình hình chung:

 

+ Ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng là ngành công nghiệp trọng điểm chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp (6,8%, năm 2007).

+ Tổng giá trị toàn ngành tăng rất nhanh, từ 31,2 nghìn tỉ đồng (năm 2000) lên 96,1 nghìn tỉ đồng (năm 2007), nghĩa là tăng 64,9 nghìn tỉ đồng (gấp 3,0 lần). 

+ Do có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các ngành công nghiệp trọng điểm khác (như công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm) nên tỉ trọng của ngành trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng  liên tục (từ 15,7% lên 16,8%).

+ Cơ cấu của ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng tương đối đa dạng, gồm 4 nhóm ngành chính: dệt – may; da – giày; gỗ – giấy – xenlulô; giấy – in – văn phòng phẩm.

– Sự phát triển của các ngành sản xuất chính:

Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng 

ở nước ta, giai đoạn 2000 – 2007

 (Đơn vị: nghìn tỉ đồng)

Năm

2000

2005

2007

Tổng giá trị

31,2

66,2

96,1

Trong đó

– Dệt – may

– Da – giày

– Giấy – in – văn phòng phẩm

 

16,1

8,9

6,2

 

34,4

18,9

12,9

 

52,7

27,2

16,2

Qua bảng số liệu trên, có thể thấy các ngành của nhóm ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đều có xu hướng tăng, trong đó nhanh nhất là ngành dệt – may.

+ Ngành dệt – may tăng 36,6 nghìn tỉ đồng (gấp 3,3 lần).

+ Ngành da – giày tăng 18,3 nghìn tỉ đồng (gấp 3,1 lần).

+ Ngành giấy – in – văn phòng phẩm tăng 10 nghìn tỉ đồng (gấp 2,6 lần).

b) Giải thích

– Giá trị sản xuất của ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cao và tăng nhanh trong thời gian gần đây, chủ yếu là do:

+ Thị trường (trong và ngoài nước) rộng lớn, nhất là nước ta đã khai thác được một số thị trường tiềm năng như EU, Hoa Kì,…

+ Nguồn lao động nước ta dồi dào, rẻ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nhân lực cho công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

+ Các lí do khác (vốn, chính sách,…).

– Tốc độ tăng trưởng của các ngành là khác nhau phụ thuộc chủ yếu vào thị trường tiêu thụ (hay đầu ra của sản phẩm).

+ Ngành dệt – may (mà chủ yếu là may mặc) có tốc độ phát triển nhanh nhất vì đây là ngành công nghiệp truyền thống. Việc phát triển ngành này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn phục vụ cho xuất khẩu (kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 chỉ sau dầu thô).

Ngành công nghiệp da – giày cũng có tốc độ tăng trưởng khá do thị trường tiêu thụ được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu đứng hàng thứ 3 (sau dầu thô và dệt – may).

+ Ngành công nghiệp giấy – in – văn phòng phẩm, trong đó đặc biệt là việc sản xuất văn phòng phẩm phát triển chậm do sản phẩm còn nghèo nàn, khó cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.

2. Phân bố

– Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phân bố chủ yếu ở gần thị trường tiêu thụ. Đó là các khu vực đông dân, nơi có các đô thị lớn (Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long).

Dẫn chứng: có 10/15 trung tâm công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng quy mô từ vừa đến rất lớn tập trung ở Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Ở các vùng còn lại, số lượng trung tâm công nghiệp ít, quy mô nhỏ

Giải thích: Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng sử dụng nhiều lao động, ít gây ô nhiễm môi trường (trừ ngành sản xuất giấy và thuộc da), tạo ra nhiều hàng hóa thông dụng phục vụ nhu cầu nhân dân và cho xuất khẩu. Do đó, các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng thường được phân bố ở các đô thị lớn, nơi có lực lượng lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ rộng.

– Sự phân bố của các ngành sản xuất hàng tiêu dùng là không giống nhau :

Công nghiệp dệt – may, da – giày, giấy – in – văn phòng phẩm thường phân bố ngay tại vùng tiêu thụ là các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Nha Trang, Thanh Hóa…

+ Công nghiệp gỗ, giấy, xenlulô có xu hướng phân bố gần vùng nguyên liệu nên nó không chỉ có mặt ở các thành phố, mà còn tập trung nhiều ở các vùng miền núi, cao nguyên để tận dụng nguyên liệu tại chỗ từ ngành lâm nghiệp như Lào Cai, Yên Bái, Plây Ku, Buôn Ma Thuột,…

– Hai khu vực có mức độ tập trung công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cao nhất cả nước là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.

+ Đồng bằng sông Hồng có 8 trung tâm, trong đó có 1 trung tâm rất lớn (Hà Nội), 1 trung tâm lớn (Hải Phòng), còn  lại là các trung tâm vừa và nhỏ.

+ Đông Nam Bộ có số lượng các trung tâm công nghiệp ít hơn, nhưng quy mô lớn hơn: TP. Hồ Chí Minh có quy mô rất lớn, 3 trung tâm có quy mô lớn là Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Vũng Tàu.

Giải thích: Đồng bằng sông Hồng có mức độ tập trung công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cao nhất cả nước vì đây là vùng đông dân cư nhất, có mật độ đô thị dày đặc nhất cả nước. Đông Nam Bộ có nhiều trung tâm  lớn nhất vì ở đây tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất với nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn.

 

Câu 42. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 22 và kiến thức đã học, hãy:

1. So sánh 2 ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta hiện nay: công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm.

2. Giải thích sự phân bố của hai ngành công nghiệp nói trên.

Gợi ý trả lời

1. So sánh hai ngành công nghiệp trọng điểm

a) Giống nhau

– Vai trò trong nền kinh tế cả nước: 

+ Là 2 ngành công nghiệp trọng điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế khác.

+ Chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp (40,5% năm 2007).

– Điều kiện phát triển: có nhiều thế mạnh phát triển (lao động, thị trường tiêu thụ, nguồn nguyên liệu, chủ trương chính sách…).

– Tốc độ tăng trưởng tương đối cao.

– Phân bố chủ yếu ở vùng nguyên liệu hoặc thị trường tiêu thụ.

b) Khác nhau

– Vai trò:

+ Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm có vai trò lớn hơn (23,7% năm 2007) nhưng lại có xu hướng giảm (từ 24,9% xuống 23,7%).

+ Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có vai trò nhỏ hơn (16,8%), nhưng có xu hướng tăng (từ 15,7% lên 16,8%).

– Điều kiện phát triển:

+ Nguồn nguyên liệu trong nước cho công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm dồi dào hơn.

+ Đối với công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng (trong đó quan trọng nhất là ngành dệt – may) nguồn nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, phải nhập nguyên liệu với khối lượng lớn.

– Tình hình phát triển: 

 

+ Quy mô: giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm lớn hơn giá trị sản xuất của ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng (135,2 nghìn tỉ đồng so với 96,1 nghìn tỉ đồng năm 2007).

+ Tốc độ phát triển: Ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn (tăng gấp 3 lần trong vòng 7 năm từ 2000 đến 2007 trong khi công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm tăng gấp 2,7 lần).

– Cơ cấu ngành: Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm có cơ cấu đa dạng hơn ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng

Dẫn chứng: 

Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm gồm 6 ngành là chế biến lương thực; chè, cà phê, thuốc lá, hạt điều; rượu, bia, nước giải khát; đường sữa, bánh kẹo; sản phẩm chăn nuôi, thủy hải sản .

Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng gồm 4 nhóm ngành là dệt – may; da – giày; gỗ – giấy – xenlulô; giấy – in – văn phòng phẩm.

– Phân bố: Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm phân bố cả ở vùng nguyên liệu và nơi tiêu thụ, còn công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng chủ yếu ở thị trường tiêu thụ.

2. Giải thích sự phân bố 

– Hai ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng có phạm vi phân bố rộng rãi khắp các vùng trong cả nước là do nước ta có nhiều thế mạnh để phát triển:

+ Nguồn nguyên liệu dồi dào từ nông nghiệp, thuỷ sản và thị trường tiêu thụ rộng lớn.

+ Dân cư đông, lao động có truyền thống và kinh nghiệm

+ Các thế mạnh khác: chính sách, cơ sở vật chất kĩ thuật,…

– Phân bố tập trung nhất ở những nơi có lợi thế về nguồn nguyên liệu (vùng nông nghiệp, thuỷ sản) và thị trường tiêu thụ như Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ (đây là những vùng đông dân, kinh tế phát triển, khả năng tiêu thụ lớn. Ngoài ra, đây cũng là những vùng có nguồn nguyên liệu phong phú, lao động rẻ, đông đảo, có truyền thống).

– Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm có phạm vi phân bố rộng rãi hơn do sự phân bố của ngành tùy thuộc nhiều vào tính chất của nguồn nguyên liệu, nhất là nguồn nguyên liệu nhiệt đới tươi sống, dễ hư hỏng và vào thị trường tiêu thụ (đối với công nghiệp rượu, bia, nước giải khát). Trong khi đó, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng lại có xu hướng phân bố thiên về thị trường tiêu thụ (đặc biệt với công nghiệp dệt – may, da – giầy, giấy – in – văn phòng phẩm).

Câu 43

               Cho bảng số liệu dưới đây:

 Giá trị sản xuất công nghiệp phân theo thành phần kinh tế của nước ta 

(Đơn vị: tỉ đồng)

 

Thành phần kinh tế

1995

2007

CẢ NƯỚC

TỔNG SỐ

103374,7

568140,6

Kinh tế Nhà nước 

51990,5

156788,8

Kinh tế ngoài Nhà nước 

25451,0

188443,0

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

25933,2

222908,8

ĐÔNG NAM BỘ

TỔNG SỐ

50508,3

261084,6

Kinh tế Nhà nước

19606.9

52703,2

Kinh tế ngoài Nhà nước

9942.5

68545,7

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

20958.9

139835,7

           Dựa vào bảng số liệu và kiến thức đã học:        

1. Nhận xét và giải thích về vai trò của  ngành công nghiệp ở Đông Nam Bộ so với cả nước.

2. So sánh cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế của Đông Nam Bộ và cả nước năm 2007.

Gợi ý trả lời

1. Vai trò ngành công nghiệp của Đông Nam Bộ so với cả nước:

– Xử lí số liệu (%): 

Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp của Đông Nam Bộ so với cả nước

phân theo thành phần kinh tế, năm 1995 và 2007 

(Đơn vị: %)

Thành phần kinh tế

1995

2007

Cả nước

Đông Nam Bộ

Cả nước

Đông Nam Bộ

TỔNG SỐ

100,0

48,9

100,0

45,9

Kinh tế Nhà nước

100,0

37,7

100,0

33,6

Kinh tế ngoài Nhà nước

100,0

39,1

100,0

36,4

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

100,0

80,8

100,0

62,7

– Nhận xét:

Trong cơ cấu công nghiệp của cả nước, Đông Nam Bộ luôn chiếm tỉ trọng cao nhất. 

+ Giá trị sản xuất công nghiệp của Đông Nam Bộ chiếm gần 1/2 giá trị sản xuất công nghiệp cả nước.

+ Khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước đều chiếm trên 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp cả nước.

+ Phần lớn tỉ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đều thuộc về Đông Nam Bộ (2/3 cả nước).

Rõ ràng ngành công nghiệp của Đông Nam Bộ có vai trò quan trọng nhất trong cơ cấu công nghiệp cả nước (nói chung và từng khu vực nói riêng).

– Giải thích:

So với các vùng khác, Đông Nam Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp:

+ Có vị trí địa lí thuận lợi: 

·  Liền kề với Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm lương thực, thực phẩm lớn nhất nước ta.

·  Giáp Tây Nguyên, vùng nguyên liệu gỗ, lâm sản khác, vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm lớn thứ 2 của cả nước và giàu tiềm năng thủy điện.

·  Giáp Duyên hải Nam Trung Bộ, vùng có tiềm năng thuỷ sản lớn.

Nguồn nhân lực có kĩ thuật đông đảo nhất nước ta, tập trung nhiều nhà doanh nghiệp giỏi của cả nước. Do sớm tiếp xúc với nền kinh tế thị trường từ thời Mĩ – Nguỵ nên người lao động ở đây rất năng động và thích ứng nhanh với cơ chế thị trường trong thời kì  Đổi mới.

Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kĩ thuật hoàn thiện nhất nước ta. Đặc biệt có cảng hàng không Tân Sơn Nhất và cảng biển Sài Gòn là hai cảng hiện đại nhất nước ta hiện nay. TP. Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông quan trọng nhất của các tỉnh phía Nam và nằm ở vị trí đầu mút của tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Á.

+ Nguồn nguyên liệu, nhiên liệu dồi dào sẵn có trong vùng (dầu khí, nguyên liệu cây công nghiệp).

+ Cơ chế, chính sách công nghiệp hoá năng động.

+ Nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong các vùng của cả nước. Tính từ năm 1989 – 2006 Đông Nam Bộ nhận được 42 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (chiếm gần 54% vốn đầu tư nước ngoài của cả nước. Riêng TP. Hồ Chí Minh nhận được 17 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài chiếm 21,7% cả nước).

b) So sánh 

* Xử lí số liệu (%)

Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp phân theo thành phần kinh tế của cả nước và vùng Đông Nam Bộ, năm 1995 và 2007

(Đơn vị: %)

 

Thành phần kinh tế

1995

2007

Cả nước

Tổng số

100,0

100,0

Kinh tế Nhà nước 

50,3

27,6

Kinh tế ngoài Nhà nước 

24,6

33,2

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

25,1

39,3

Đông Nam Bộ

Tổng số

100,0

100,0

Kinh tế Nhà nước

38,8

20,2

Kinh tế ngoài Nhà nước

19,7

26,2

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

41,5

53,6

* So sánh:

– Giống nhau

+ Cơ cấu công nghiệp của Đông Nam Bộ và cả nước phân theo thành phần kinh tế đều đa dạng. Trong cơ cấu có 3 thành phần chính: Nhà nước, ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

+ Cơ cấu công nghiệp đều có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng của khu vực Nhà nước, tăng tỉ trọng của khu vực Ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

+ Năm 1995 khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỉ trọng thấp nhất.

Năm 2007 trong cơ cấu công nghiệp, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng cao nhất, tiếp đến là khu vực ngoài Nhà nước, cuối cùng là khu vực Nhà nước.

– Khác nhau

+ Khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước trong cơ cấu của cả nước luôn chiếm tỉ trọng cao hơn khu vực kinh tế Nhà nước và ngoài Nhà nước của vùng Đông Nam Bộ.

+ Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong cơ cấu của Đông Nam Bộ luôn có tỉ trọng  cao hơn so với cả nước.

 

Câu 44. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1. Phân tích ảnh hưởng của địa hình và khí hậu đến sự phát triển ngành giao thông vận tải đường ô tô ở nước ta.

2. Xác định một số tuyến đường ô tô ở nước ta và nêu ý nghĩa của từng tuyến (quèc lé 1, 2, 3, 5, 6, 7, 8, 9, 14, 22).

Gợi ý trả lời

1. Phân tích

Các điều kiện tự nhiên (quan trọng nhất là địa hình và khí hậu) ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và phân bố cũng như điều kiện hoạt động của mạng lưới giao thông vận tải đường đường ô tô.

a) Địa hình

– Mặc dù 3/4 diện tích lãnh thổ là núi và cao nguyên, nhưng nước ta lại có dải đồng bằng ven biển chạy dài từ Bắc vào Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng các tuyến đường bộ Bắc – Nam.

– Ở khu vực miền núi có các thung lũng sông, các đèo cho phép mở các tuyến đường từ đồng bằng lên miền núi. Tuy nhiên, địa hình bị cắt xẻ dữ dội nên việc xây dựng đường xá gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải làm nhiều cầu, cống và các đường hầm xuyên núi.

Dẫn chứng: Các tuyến đường bộ từ đồng bằng sông Hồng lên Trung du và miền núi Bắc Bộ đều toả ra theo hình nan quạt, men theo các thung lũng sông, tựa vào các dãy núi hình cánh cung ở Đông Bắc.

– Dọc chiều dài đất nước có những dãy núi ăn ngang ra biển. Vì thế, trên tuyến quốc lộ 1 có những đèo cao, nguy hiểm như đèo Ngang, Hải Vân, Cù Mông, đèo Cả.

– Địa hình đồi núi xen kẽ các khe sâu gây khó khăn cho việc làm đường. Các tuyến đường miền núi quanh co lắm đèo, nhiều dốc lại cộng thêm hiện tượng trượt đất, sạt lở đường về mùa mưa làm cho việc giao thông miền núi dễ ách tắc và việc duy tu, bảo dưỡng rất khó khăn tốn kém. 

– Do địa hình miền núi có độ dốc lớn nên chi phí cho xăng dầu và hao mòn máy móc trên 1 km gia tăng. Điều này có ảnh hưởng tới kinh tế vận tải và hạn chế việc phát triển kinh tế, văn hóa ở miền núi nói chung.

b) Khí hậu

– Tuy hoạt động vận tải có thể diễn ra quanh năm, nhưng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa cũng gây nhiều khó khăn cho ngành giao thông vận tải đường ô tô.

– Trong điều kiện nhiệt đới ẩm, các phương tiện vận tải bị rỉ, ăn mòn nhanh, đòi hỏi phải có công nghệ nhiệt đới hóa máy móc.

– Việc xây dựng kho tàng, bến bãi, bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển phải rất chu đáo để tránh nắng, mưa… Trong thực tế, nhiều khi tỉ lệ hao hụt hàng hóa cao là ở khâu lưu kho, bảo quản ở các bến bãi.

– Về mùa mưa bão, giao thông dễ bị tắc nghẽn do ngập lụt ở đồng bằng, sạt lở đường ở miền núi. Thêm vào đó, trong xây dựng đường phải có hệ thống thoát nước nếu không thì nền đường rất nhanh bị hỏng. Việc đầu tư, bảo dưỡng đường rất tốn kém.

– Sự phân mùa của khí hậu ảnh hưởng lớn đến tính chất mùa vụ của hoạt động vận tải đường ô tô. Mùa khô, giao thông vận tải đường ô tô thuận lợi hơn. Ngược lại, về mùa mưa giao thông gặp nhiều khó khăn. 

2. Xác định các tuyến đường bộ chính và nêu ý nghĩa của từng tuyến

Tuyến đường

Chạy qua các tỉnh và thành phố

ý nghĩa

Quốc lộ 1A

Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

   Tuyến giao thông huyết mạch, 

x­ương sống của cả hệ thống 

đư­ờng ô tô của nước ta, đi qua 6/7 vùng kinh tế, có ý nghĩa quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. 

 

Quốc lộ 2

Hà Nội, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang.

Nối thủ đô với trung tâm công nghiệp Việt Trì – Lâm Thao và các vùng chuyên canh chè, chăn nuôi đại gia súc lớn ở phía Bắc, và điểm cuối cùng là cửa khẩu Thanh Thuỷ ở Hà Giang.

Quốc lộ 3

Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Nối Hà Nội với khu gang thép Thái Nguyên, qua Bắc Kạn tới cửa khẩu Tà Lùng  (Cao Bằng).

Quốc lộ 6

Hà Nội, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên.

Tuyến đường độc đạo, mang tính chiến lược đối với việc phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng của vùng Tây Bắc.

Quốc lộ 5

Hà Nội, Hư­ng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Tuyến huyết mạch của đồng bằng sông Hồng đến cảng Hải Phòng, cửa ngõ xuất nhập khẩu của các tỉnh phía Bắc.

Quốc lộ 7

Bắt đầu từ Diễn Châu (Nghệ An) đến cửa khẩu Nậm Cắn đi Xiêng Khoảng, Viên Chăn (Lào).

Đường ra biển của các tỉnh phía Bắc Lào.

Quốc lộ 8

Bắt đầu từ thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đến cửa khẩu Cầu Treo sang Lào.

Đường ra biển của các tỉnh miền Trung Lào.

Quốc lộ 9

Từ Đông Hà (Quảng Trị) đi qua cửa khẩu Lao Bảo đến Xavannakhet và các tỉnh Nam Lào.

Đường ra biển của các tỉnh miền Trung và Nam Lào.

Quốc lộ 14

Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Phát triển kinh tế – xã hội Tây Nguyên.

Quốc lộ 51

Biên Hoà – Bà Rịa – Vũng Tàu.

Nối 2 cảng quan trọng nhất của vùng Đông Nam Bộ (Sài Gòn và Vũng Tàu).

Quốc lộ 22

TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh sang Campuchia.

Nằm trên tuyến đường xuyên Á nối TP. Hồ Chí Minh với Campuchia.

 

Câu 45. Cho bảng số liệu sau đây:

Khối lượng hàng hoá thông qua cảng biển Việt Nam

(Đơn vị: nghìn tấn)

Các loại hàng

1995

2000

2007

Tổng số

14.463,5

21.902,5

46.246,8

Phân loại hàng hóa

 

– Hàng xuất khẩu

3.737,1

5.460,9

11.661,1

– Hàng nhập khẩu

7.903,2

9.293,0

17.855,6

– Hàng nội địa

2.823,2

7.148,6

16.730,1

Phân theo cảng

 

– Hải Phòng

4.515,0

7.243,3

17.896,0

– Sài Gòn

7.212,0

9.501,0

14.181,3

– Đà Nẵng

830,2

1.310,6

2.736,9

Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và bảng số liệu trên, hãy phân tích tình hình phát triển giao thông vận tải đường biển của nước  ta.

 

Gợi ý trả lời

1. Giao thông đường biển

a) Hệ thống cảng biển

Hệ thống cảng biển của nước ta phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam:

– Phía bắc có 3 cảng chính: Cửa Ông, Cái Lân, Hải Phòng, trong đó, quan trọng nhất là cảng Hải Phòng.

– Miền Trung: Duyên hải miền Trung, tính từ Thanh Hóa đến Bình Thuận do có đường bờ biển dài với nhiều vị trí thuận lợi để xây dựng cảng nên có số lượng cảng nhiều nhất nước ta (12 cảng). Tính từ bắc vào nam đó là: Cửa Lò, Vũng Áng, Nhật Lệ, Thuận An, Chân Mây, Đà Nẵng, Kì Hà, Dung Quất, Quy Nhơn, Ba Ngòi, Cam Ranh, Phan Thiết. Trong  số này, quan trọng nhất là cảng Đà Nẵng.

– Miền Nam có một số cảng là Nhà Bè, Sài Gòn, Kiên Lương,… trong đó quan trọng nhất là cảng Sài Gòn.

b) Các tuyến đường biển chính

– Tuyến nội địa: 

+ Hải Phòng – TP. Hồ Chí Minh là tuyến quan trọng nhất với quãng đường dài 1500 km.

+ Hải Phòng – Cửa Lò: 390 km.

+ Hải Phòng – Đà Nẵng: 500km.

+ Cửa Lò – Đà Nẵng: 420 km.

+ Đà Nẵng – Quy Nhơn: 300 km.

+ Đà Nẵng – đảo Hoàng Sa: 390 km.

+ Quy Nhơn – Phan Thiết: 440 km.

+ Phan Thiết – Sài Gòn: 290 km.

– Các tuyến quốc tế chủ yếu xuất phát từ 2 cảng lớn nhất ở hai đầu đất nước là Hải Phòng và Sài Gòn đi đến nhiều nước trên thế giới và trong khu vực .

+ Hải Phòng – Hồng Kông: 900 km.

+ Hải Phòng – Tôkiô: 4350 km.

+ Hải Phòng – Vlađivôxtôc: 4500 km.

+ Hải Phòng – Manila: 1500 km.

+ TP. Hồ Chí Minh – Xingapo: 1170 km.

+ TP. Hồ Chí Minh – Băng Cốc: 1180 km.

+ TP. Hồ Chí Minh – Vlađivôxtôc: 4500 km.

+ TP. Hồ Chí Minh – Hồng Kông: 1720 km.

2. Vận tải đường biển

a) Tình hình vận tải

– Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng tăng nhanh, liên tục. Từ năm 1995 đến 2007 tăng thêm 31783,3 nghìn tấn (gấp 3,2 lần).

– Khối lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hàng nội địa đều tăng, nhưng với tốc độ tăng khác nhau:

+ Hàng xuất khẩu tăng 3,1 lần.

+ Hàng nhập khẩu tăng 2,3 lần.

+ Hàng nội địa tăng nhanh nhất (tăng 5,9 lần).

b) Cơ cấu vận tải phân theo hàng hóa

– Trong cơ cấu vận tải biển phân theo hàng hóa thì hàng nhập khẩu luôn chiếm tỉ trọng cao nhất: năm 1995 chiếm 54,6%; năm 2000 là 42,4%; năm 2007 là 38,6%.

– Do tốc độ gia tăng khác nhau nên tỉ trọng hàng hóa có sự thay đổi theo hướng tăng tỉ trọng hàng nội địa, giảm tỉ trọng hàng xuất khẩu và nhập khẩu.

c) Cơ cấu hàng phân theo cảng

–  Hải Phòng, Đà Nẵng và Sài Gòn là 3 cảng lớn nhất nước ta, nhưng khối lượng hàng hóa vận chuyển chủ yếu thuộc 2 cảng Hải Phòng và Sài Gòn (chiếm 69,3% năm 2007).

– Tỉ trọng hàng hóa của các cảng có sự thay đổi theo hướng tăng tỉ trọng của cảng Hải Phòng (tăng 7,4%); giảm tỉ trọng của cảng Sài Gòn (giảm 19,2%). Cảng Đà Nẵng có tỉ trọng nhỏ và tăng không đáng kể (từ 5,7% lên 5,9%).

 

Câu 46. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy trình bày và giải thích về đầu mối giao thông Hà Nội.

Gợi ý trả lời

a) Khái niệm

Đầu mối giao thông là nơi tập trung nhiều loại hình giao thông vận tải và các tuyến giao thông huyết mạch. Đầu mối giao thông thường là các thành phố lớn, nơi dân cư đông đúc và có nền kinh tế phát triển.

Hà Nội là một trong hai đầu mối giao thông quan trọng nhất của cả nước.

b) Trình bày

– Hà Nội là nơi tập trung hầu hết các loại hình giao thông vận tải:

+ Đường bộ.

+ Đường sắt.

+ Đường sông.

+ Đường hàng không.

–  Tập trung nhiều tuyến giao thông huyết mạch:

+ Đường ô tô:

·  Quốc lộ 1 dài 2300 km từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) qua Hà Nội đến tận Năm Căn (Cà Mau). Là tuyến giao thông huyết mạch xương sống của cả hệ thống đường bộ của cả nước, đi qua 6/7 vùng kinh tế nước ta, có ý nghĩa quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

·  Quốc lộ 2 dài 318 km chạy từ Hà Nội qua Việt Trì đến cửa khẩu Thanh Thuỷ (Hà Giang) nối thủ đô với trung tâm công nghiệp Việt Trì – Lâm Thao và các vùng chuyên canh chè, chăn nuôi đại gia súc ở phía Bắc.

·  Quốc lộ 3 dài 382 km nối Hà Nội với khu gang thép Thái Nguyên, qua Bắc Kạn tới cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng).

·  Quốc lộ 5 (Hà Nội – Hải Phòng) dài 102 km qua thành phố Hải Dương, tuyến huyết mạch đến cửa ngõ xuất nhập khẩu của các tỉnh phía Bắc.

·  Quốc lộ số 6 dài 478 km nối Hà Nội với Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Đây là tuyến đường độc đạo, mang tính chất chiến lược đối với việc phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng của vùng Tây Bắc.

·  Quốc lộ 18 nối Hà Nội với cửa khẩu Móng Cái.

+ Đường sắt:

·  Đường sắt Thống Nhất dài 1726 km chạy song song với quốc lộ 1 tạo nên 2 tuyến giao thông xuyên Việt có ý nghĩa hàng đầu trong việc phát triển kinh tế – xã hội nước ta và với Trung Quốc, Campuchia.

·  Đường sắt Hà Nội – Lào Cai dài 293 km, qua Việt Trì, Yên Bái, Lào Cai, nối với cửa khẩu Hà Khẩu sang Trung Quốc.

·  Đường sắt Hà Nội – Hải Phòng dài 102 km.

·  Đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng (Lạng Sơn) dài 162 km, nối Việt Nam với Trung Quốc và các nước khác trên thế giới.

·  Đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên dài 75 km.

+ Đường hàng không:

·  Từ Hà Nội có các tuyến đường bay đến nhiều địa điểm trong nước như TP. Hồ Chí Minh, Điện Biên, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt…

·  Từ Hà Nội có các tuyến đường bay quốc tế nối nước ta với nhiều thành phố trên thế giới: Bắc Kinh, Hồng Kông, Xêun, Tôkiô, Viêng Chăn, Băng Cốc,… 

+ Đường sông:

·  So với các loại đường giao thông khác, đường sông đối với Hà Nội không thật nổi trội.

·  Tuy nhiên, từ Hà Nội theo sông Hồng có thể đến với nhiều tỉnh đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ.

– Ngoài ra, cơ sở vật chất kĩ thuật của ngành giao thông vận tải tương đối phát triển với sân bay quốc tế Nội Bài – một trong 2 sân bay quốc tế lớn nhất nước ta,…

c) Giải thích

Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất nước ta vì:

– Có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.

+ Vị trí:

·  Là trung tâm vùng Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng.

·  Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, một khu vực có nền kinh tế phát triển năng động.

+ Vai trò là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kĩ thuật hàng đầu của cả nước.

– Nhu cầu phát triển và phân bố của các ngành kinh tế. 

Các ngành kinh tế là khách hàng của giao thông vận tải. Các ngành kinh tế của thủ đô (đặc biệt là công nghiệp) phát triển tương đối toàn diện, nên nhu cầu vận tải lớn (đảm bảo cung cấp nguyên nhiên liệu, tiêu thụ sản phẩm).

– Dân cư đông (trên 6 triệu dân), nhu cầu đi lại lớn.

– Các lí do khác (chính sách, đầu tư, cơ sở vật chất – kĩ thuật,…).

 

Câu 47. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 24, hãy nhận xét về tình hình phát triển và phân bố hoạt động nội thương ở nước ta.

Gợi ý trả lời

1. Sự  phát triển

Sự phát triển của nội thương thể hiện rõ rệt ở tổng mức bán lẻ hàng hóa của xã hội

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước

phân theo thành phần kinh tế qua các năm

Thành phần

 kinh tế

1995

2000

2005

2007

Tỉ đồng

%

Tỉ đồng

%

Tỉ đồng

%

Tỉ đồng

%

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

600

0,5

3.461

1,6

18.247

3,8

27.644

3,7

Khu vực ngoài Nhà nước

93.193

76,9

177.744

80,6

399.871

70,8

638.842

85,6

Khu vực Nhà nước

27.367

22,6

39.206

17,8

18.247

25,4

79.637

10,7

Tổng số

121.160

100,0

220.441

100,0

480.294

100,0

746.159

100,0

Qua bảng số liệu trên có thể nhận xét:

– Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước tăng rất nhanh: gấp 6,2 lần (giai đoạn 1995 – 2007).

– Tốc độ tăng của các khu vực kinh tế không giống nhau:

+ Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh nhất (46 lần).

+ Khu vực ngoài Nhà nước tăng khá nhanh (6,9 lần).

+ Khu vực Nhà nước tăng chậm nhất (2,9 lần).

– Cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài Nhà nước giảm tỉ trọng của khu vực Nhà nước (giảm 11,9%).

2. Phân bố

– Hoạt động nội thương diễn ra không đồng đều theo lãnh thổ:

+ Giữa các vùng:

·  Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng là 3 vùng có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cao nhất cả nước,  vì đây là 3 vùng kinh tế năng động, dân số đông, kinh tế phát triển, hàng hóa đa dạng, nhu cầu tiêu dùng lớn …Tuy nhiên, do dân số đông nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân theo đầu người của Đồng bằng sông Hồng thấp hơn 2 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

·  Các khu vực miền núi như Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thấp do kinh tế chậm phát triển, dân số thưa thớt, nền kinh tế của đồng bào dân tộc còn mang tính chất tự cung tự cấp, nhu cầu tiêu dùng thấp. Tuy nhiên, do quy mô dân số nhỏ nên nhìn chung các tỉnh Tây Nguyên có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cao hơn Trung du và miền núi Bắc Bộ.

+ Giữa các tỉnh:

·  Cao nhất trên 16 triệu đồng/người gồm các tỉnh, thành phố có nền kinh tế phát triển như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương.

·  Mức thấp nhất (dưới 4 triệu đồng/người) là các tỉnh có nền kinh tế chậm phát triển thuộc vùng núi cao Tây Bắc, Đông Bắc, hoặc các tỉnh có dân số đông như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An.

·  Một số tỉnh có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo đầu người tương đối cao từ trên 12 – 16 triệu đồng/người như Quảng Ninh, Tây Ninh, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu do vị trí địa lý thuận lợi cho việc buôn bán (có các cửa khẩu quốc tế) hoặc do kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người cao.

– Hai trung tâm buôn bán tấp nập nhất của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

 

Câu 48. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy nhận xét và lí giải tình hìnhphát triển cũng như phân bố của hoạt động ngoại thương ở nước ta.

Gợi ý trả lời

1. Tình hình phát triển 

* Nhận xét

a) Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa

– Kim ngạch xuất – nhập khẩu của nước ta tăng liên tục: từ 30,1 tỉ USD năm 2000 lên 111,4 tỉ USD năm 2007.

– Tăng cả kim ngạch xuất khẩu lẫn nhập khẩu:

+ Xuất khẩu: từ 14,5 tỉ USD (năm 2000) lên 48,6 tỉ USD (năm 2007).

+ Nhập khẩu trong thời gian nói trên tăng từ 15,6 tỉ USD lên 62,8 tỉ USD.

+ Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu.

– Cán cân xuất, nhập khẩu có sự thay đổi:

+ Nhìn chung là nhập siêu (nhập nhiều hơn xuất).

+ Tình hình nhập siêu ngày càng lớn:

·  Năm 2000 là -1,1 tỉ USD.

·  Năm 2007 là -14,2 tỉ USD.

b) Cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu (2007)

–  Cơ cấu giá trị hàng xuất khẩu:

+  Công nghiệp nặng và khoáng sản: 34,3%

+ Công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp: 42,6%

+ Nông, lâm sản: 15,4%

+ Thuỷ sản: 7,7%

Nhận xét: Các mặt hàng xuất khẩu đã qua chế biến còn chiếm tỉ trọng khiêm tốn.

–  Cơ cấu các mặt hàng nhập khẩu:

+ Nguyên, nhiên, vật liệu: 64,0%

+ Máy móc, thiết bị, phụ tùng: 28,6%

+ Hàng tiêu dùng: 7,4%

Nhận xét: Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên, nhiên, vật liệu, máy móc, thiết bị, phụ tùng… chiếm ưu thế tuyệt đối, nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

c)  Thị trường

–  Nước ta có quan hệ buôn bán với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế gới nhưng kim ngạch buôn bán không đồng đều: 

+ Các quốc gia và vùng lãnh thổ có kim ngạch buôn bán lớn chủ yếu là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, EU, Bắc Mĩ.

+ Các khu vực còn lại: không đáng kể.

–  Các bạn hàng lớn nhất:

+ Xuất khẩu: Hoa Kì, Nhật Bản (trên 6 tỉ USD cho mỗi nước).

+ Nhập khẩu: Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Xingapo (trên 6 tỉ USD cho mỗi nước).

* Giải thích

– Hoạt động ngoại thương phát triển mạnh trong những năm gần đây là do:

+ Đa dạng các mặt hàng xuất khẩu, đẩy mạnh các mặt hàng mũi nhọn như gạo, cà phê, thuỷ sản, dầu thụ, dệt may, giày dép, điện tử…

+ Đa phương hóa thị trường xuất nhập khẩu. Bên cạnh các thị trường truyền thống cũn mở rộng cỏc thị trường tiềm năng như Hoa Kỡ, EU, Nhật Bản,…

+ Đổi mới cơ chế quản lí hoạt động xuất nhập khẩu.

 

– Có sự mất cân đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu (nhập siêu) chủ yếu là do:

+ Việt Nam là nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá.

+ Hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng nông sản sơ chế, khoáng sản thô, hàng công nghiệp chế biến chưa nhiều.

+ Hàng nhập khẩu chủ yếu lại là máy múc, thiết bị, vật tư phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

2. Phân bố

* Nhận xét

a) Có sự phân hoá rõ rệt giữa các vùng

– Tập trung nhất ở 3 vùng: Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng và phụ cận, Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Đông Nam Bộ: trị giá xuất nhập khẩu rất lớn, tương đối đồng đều giữa các tỉnh/thành phố với cán cân xuất siêu.

+ Đồng bằng sông Hồng: tập trung vào 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng; nhập siêu.

+ Đồng bằng sông Cửu Long: trị giá không lớn, nhưng khá đồng đều giữa các tỉnh.

– Các vùng còn lại: kim ngạch xuất nhập khẩu không đáng kể, trừ một vài tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hoà…).

b) Không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố

– Không đều về trị giá (tỉnh nhiều, tỉnh ít – dẫn chứng).

– Không đều về cán cân (tỉnh xuất siêu, tỉnh nhập siêu – dẫn chứng).

c) Nổi bật nhất là các tỉnh, thành phố

– TP. Hồ Chí Minh (xuất 18,9 tỉ USD, nhập 17,4 tỉ USD, xuất siêu).

– Hà Nội (xuất 4,5 tỉ USD, nhập 14,9 tỉ USD, nhập siêu).

* Giải thích

Hoạt động ngoại thương phát triển không đồng đều giữa các địa phương là do sự phân hóa về nguồn lực phát triển. 

– Những tỉnh có vị trí địa lí thuận lợi, nền kinh tế phát triển, có nhiều chính sách thông thoáng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài thường có hoạt động ngoại thương phát triển hơn.

– Ngược lại, những tỉnh có kim ngạch xuất nhập khẩu thấp, việc giao lưu buôn bán với nước ngoài còn hạn chế là do chưa phát huy hết tiềm năng, còn chậm phát triển với những khó khăn cả về khách quan và chủ quan.

Câu 49. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 25 và kiến thức đã học, hãy trình bày sự phân hóa lãnh thổ du lịch của nước ta. Làm rõ tài nguyên du lịch của từng vùng du lịch.

Gợi ý trả lời

1. Sự phân hóa lãnh thổ du lịch của nước ta

– Nước ta chia thành 3 vùng du lịch:

+ Vùng du lịch Bắc Bộ gồm 29 tỉnh từ Hà Giang đến Hà Tĩnh với thủ đô Hà Nội là trung tâm. Các điểm du lịch tiêu biểu là: vịnh Hạ Long, Tam Đảo, chùa Hương, Kim Liên – Nam Đàn,…

+ Vùng du lịch Bắc Trung Bộ: gồm 6 tỉnh là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên -Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các điểm du lịch tiêu biểu là động Phong Nha, cố đô Huế, phố cổ Hội An,…  

+ Vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ gồm các tỉnh còn lại. Nhiều điểm du lịch tiêu biểu phân bố ở TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Kiên Giang, Cà Mau,…

– Các khu vực có ngành du lịch phát triển mạnh hơn cả là:

+ Tam giác tăng trưởng du lịch Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh thuộc vùng du lịch Bắc Bộ.

+ Tam giác tăng trưởng du lịch TP. Hồ Chí Minh – Nha Trang – Đà Lạt thuộc vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

+ Dải ven biển kéo dài từ Móng Cái đến Hà Tiên và các đảo, quần đảo ven bờ.

– Các khu vực tiềm năng:

+ Tây Bắc.

+ Tây Nguyên (trừ Đà Lạt và vùng phụ cận).

+ Các vùng còn lại.

– Hoạt động du lịch tập trung chủ yếu ở một số trung tâm:

+ Các trung tâm có ý nghĩa quốc gia: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng.

+ Các trung tâm có ý nghĩa vùng (địa phương): Hạ Long, Hải Phòng, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt, Cần Thơ.

2. Làm rõ tài nguyên du lịch

Sự phân hóa lãnh thổ du lịch là kết quả tác động của nhiều nhân tố (tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất – kĩ thuật phục vụ du lịch, đường lối, chính sách, lực lượng lao động…) trong đó nhân tố không thể thiếu được là tài nguyên du lịch.

* Tài nguyên du lịch là yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn du lịch. Tài nguyên du lịch giữa các vùng có sự khác nhau rõ rệt:

– Vùng du lịch Bắc Bộ: 

Tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng có khả năng đáp ứng được các yêu cầu của nhiều loại hình du lịch với nhiều đối tượng khác nhau.

+ Tài nguyên du lịch tự nhiên:

·      Di sản thiên nhiên thế giới: vịnh Hạ Long.

·      Vùng có nhiều thắng cảnh: Sa Pa, hồ Thác Bà, thủy điện Hòa Bình.

·      Vườn quốc gia: Ba Bể, Ba Vì, Tam Đảo, Hoàng Liên, Xuân Sơn, Cúc Phương, Bái Tử Long, Cát Bà, Xuân Thủy, Bến En, Pù Mát,Vũ Quang.

·      Khu dự trữ sinh quyển thế giới: đảo Cát Bà, đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng, tây Nghệ An.

·      Hệ thống các hang động caxtơ: Hang Chui (Hà Giang), Tam Thanh (Lạng Sơn), Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình),…

·      Các suối nước khoáng: Mĩ Lâm (Tuyên Quang), Quang Hanh (Quảng Ninh), Kim Bôi (Hòa Bình),…

·      Du lịch biển: Trà Cổ (Quảng Ninh), Đồ Sơn, Cát Bà (Hải Phòng), Thịnh Long (Nam Định), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh).

+ Tài nguyên du lịch nhân văn: vùng này chứa đựng toàn bộ bề dày của lịch sử Việt Nam.

·  Di tích lịch sử cách mạng, văn hóa: Điện Biên, nhà tù Sơn La, hang Pắc Bó, Tân Trào, Ải Chi Lăng, thành Cổ Loa, cố đô Hoa Lư, quê hương Bác Hồ,…

·  Lễ hội truyền thống: Phủ Giầy, chùa Hương, Yên Tử, đền Hùng, hội Chọi Trâu,…

·  Làng nghề cổ truyền: Đồng Kị, Bát Tràng, Vạn Phúc,…

– Vùng du lịch Bắc Trung Bộ:

Tài nguyên du lịch có nhiều nét đặc sắc, có khả năng hấp dẫn khách du lịch lớn.

+ Tài nguyên du lịch tự nhiên:

·  Di sản thiên nhiên thế giới: Phong Nha – Kẻ Bàng.

·  Vườn quốc gia: Phong Nha – Kẻ Bàng và Bạch Mã.

·  Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

·  Du lịch biển: dọc bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp như Đá Nhảy, Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô, Non Nước, Mĩ Khê,…

·  Các thắng cảnh nổi tiếng: sông Hương, núi Ngự Bình (Huế), Bà Nà (Đà Nẵng).

+ Tài nguyên du lịch nhân văn:

·  Cả 3 di sản văn hóa thế giới đều tập trung ở vùng này: cố đô Huế, phố cổ Hội An, di tích Mĩ Sơn.

·  Có nhiều di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật: địa đạo Vĩnh Mốc, Khe Sanh, cố đô Huế,…

– Vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ

+ Tài nguyên du lịch tự nhiên: 

·  Địa hình đa dạng có sức thu hút khách du lịch. Đáng chú ý là khu vực duyên hải với kiểu địa hình bờ, bãi biển, trong đó có nhiều bãi tắm nổi tiếng như Vân Phong, Dốc Lết, Nha Trang, Cà Ná, Mũi Né, Vũng Tàu,…

·  Khí hậu thuận lợi cho sự phát triển du lịch đặc biệt trên các cao nguyên khí hậu mát mẻ quanh năm (Đà Lạt).

·  Tài nguyên nước: nguồn nước khoáng Hội Vân (Bình Định), Vĩnh Hảo (Bình Thuận), Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu).

·  Tài nguyên sinh vật khá phong phú: vườn quốc gia (Yok Đôn, Kon Ka Kinh, Cát Tiên, Tràm Chim, Côn Đảo, Phú Quốc,…), khu dự trữ sinh quyển thế giới: Cát Tiên, Cần Giờ, Kiên Giang, mũi Cà Mau..

+ Tài nguyên du lịch nhân văn: 

·  Là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc ít người với truyền thống văn hóa độc đáo có khả năng thu hút khách du lịch: cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

·  Các di tích lịch sử văn hóa tương đối phong phú, nhưng phân bố không đều, tập trung nhiều ở Đông Nam Bộ: dinh Độc Lập, bến cảng nhà Rồng, địa đạo Củ Chi, nhà tù Côn Đảo,…

 

Câu 50. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 25 và kiến thức đã học, hãy nhận xét và giải thích tình hình phát triển ngành du lịch nước ta.

Gợi ý trả lời

1. Tình hình phát triển du lịch

– Qua biểu đồ trong Atlat, có thể lập được bảng sau đây:

Khách du lịch và doanh thu từ du lịch

N¨m

Kh¸ch du lch (triu lượt người)

Doanh thu 

(ngh×n tđồng)

Tæng sè

Kh¸ch quèc tÕ

Kh¸ch néi ®Þa

1995

6,9

1,4

5,5

8,0

2000

13,3

2,1

11,2

17,4

2005

19,5

3,5

16,0

30,0

2007

23,3

4,2

19,1

56,0

 

– Số lượng khách và doanh thu: 

+ Số khách du lịch và doanh thu của ngành du lịch tăng rất nhanh trong giai đoạn 1995 đến 2007.

+ Tổng số khách du lịch tăng 3,4 lần, trong đó khách nội địa tăng nhanh hơn khách quốc tế (3,5 lần so với 3 lần).

Doanh thu của ngành du lịch tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng lượng khách du lịch (gấp 7 lần). Điều đó chứng tỏ khả năng chi tiêu của khách du lịch ngày càng tăng.

– Thị trường khách:

+ Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2007, khách từ khu vực Đông Nam Á đến chiếm tỉ trọng cao nhất. Các nước và vùng lãnh thổ có du khách đến nước ta đông nhất là Trung Quốc (13,6%), Hàn Quốc (11,2%), Nhật Bản (9,9%), Hoa Kì (9,7%), Đài Loan (7,5%), Ôxtrâylia (5,3%), Pháp (4,3%), Anh (2,5%). Còn lại là các quốc gia khác (19,5%).

+ Cơ cấu khách du lịch quốc tế có sự thay đổi đáng kể từ năm 2000 đến năm 2007. Tỉ lệ khách Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kì, Ôxtrâylia có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, tỉ lệ khách Trung Quốc, Đài Loan và các quốc gia khác giảm nhanh. Khách từ Pháp, Anh chiếm tỉ lệ nhỏ và ít có sự chuyển biến.

2. Giải thích

– Du lịch phát triển mạnh, đặc biệt từ sau những năm 1990 nhờ chính sách Đổi mới của Nhà nước:

+ Chính sách mở cửa, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

+ Liên kết với các công ty du lịch lữ hành quốc tế.

+ Khuyến khích mời khách du lịch quốc tế, đặc biệt là đối với Việt kiều.

– Nước ta có tiềm năng du lịch to lớn và đang được khai thác mạnh mẽ.

+ Tài nguyên tự nhiên: các hang động nổi tiếng, bãi biển đẹp, một số đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, nguồn nước nóng, suối khoáng, các vườn quốc gia, khu bảo tồn…

+ Tài nguyên nhân văn: Các di tích lịch sử, cách mạng, các lễ hội truyền thống, làng nghề cổ truyền,…

– Chất lượng cuộc sống, nhất là mức sống của người dân ngày càng được nâng cao nên  có khả năng thoả mãn nhu cầu du lịch của một bộ phận dân cư.

– Thu hút đầu tư (trong và ngoài nước) cho ngành du lịch.

+ Hạ tầng cơ sở (giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước).

+ Xây dựng nhiều cơ sở lưu trú (số lượng và chất lượng).

+ Đầu tư tôn tạo nhiều di tích văn hoá lịch sử, khu giải trí trong cả nước.

–  Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ du lịch. 

– Các nguyên nhân khác (Việt Nam là điểm đến an toàn, tình hình chính trị ổn định,…).

 

Câu 51. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy chứng minh rằng Trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều thế mạnh để phát triển loại hình du lịch sinh thái.

Gợi ý trả lời

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch gắn con người với thiên nhiên, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có nhiều thế mạnh để phát triển loại hình du lịch này. 

1. Có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên để phát triển du lịch sinh thái.

– Vùng có di sản thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

– Địa hình: đa dạng có sức hấp dẫn du khách.

+ Hang động: hang Chui (Hà Giang); động Tam Thanh (Lạng Sơn),…

+ Bãi biển: Trà Cổ, Bãi Cháy (Quảng Ninh).

– Khí hậu: có sự phân hóa theo đai cao, một số đỉnh núi cao có khí hậu mát mẻ như Sa Pa, Tam Đảo thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.

– Nguồn nước: 

+ Có nhiều hồ đẹp có giá trị du lịch: hồ Ba Bể, hồ Thác Bà, hồ Hòa Bình.

+ Nhiều suối nước khoáng, nước nóng: Quang Hanh, Mĩ Lâm, Kim Bôi,..

– Sinh vật: có nhiều vườn quốc gia như Ba Bể (Bắc Kạn), Hoàng Liên (Lào Cai), Bái Tử Long (Quảng Ninh), Xuân Sơn (Phú Thọ), Tam Đảo (Vĩnh Phúc),…

2. Có nhiều thế mạnh khác

– Nhu cầu du lịch ngày càng tăng do mức sống của con người ngày càng được nâng cao

– Cơ sở vật chất – kĩ thuật, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Giao thông vận tải phát triển có khả năng đưa du khách đến mọi nơi trong vùng.

 

III – ĐỊA LÍ CÁC VÙNG KINH TẾ

 

Câu 52. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy giải thích tại sao Trung du và miền núi Bắc Bộ lại có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của cả nước.

Gợi ý trả lời

Trung du và miền núi Bắc Bộ có diện tích lớn nhất lớn nước ta (110 nghìn km2) với dân số 12,1 triệu người (năm 2006). Vùng này có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của cả nước vì:

1. Có vị trí địa lí đặc biệt 

– Phía bắc giáp miền Nam Trung Quốc, có thể dễ dàng giao lưu với các vùng kinh tế năng động của nước này qua các cửa khẩu: Móng Cái (Quảng Ninh), Đồng Đăng (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng), Thanh Thuỷ (Hà Giang), Hà Khẩu (Lào Cai).

– Phía tây giáp Thượng Lào, vùng có tiềm năng lâm nghiệp lớn nhất của Lào.

– Liền kề với Đồng bằng sông Hồng, vùng có tiềm năng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và nguồn lao động lớn nhất cả nước. Giao thông vận tải dễ dàng bằng đường bộ, đường sắt và đường thuỷ.

– Phía đông là vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ninh có tiềm năng du lịch, giao thông và ngư nghiệp.

2. Tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng

a) Khoáng sản: là vùng giàu tài nguyên khoáng sản nhất nước ta, tập trung nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao.

– Khoáng sản năng lượng

+ Than tập trung ở Quảng Ninh (trữ lượng khoảng 3 tỉ tấn), chủ yếu là than Antraxit chất lượng vào loại tốt nhất ở vùng Đông Nam Á .

+ Các mỏ than khác: than nâu (Na Dương – Lạng Sơn), than mỡ (Thái Nguyên) trữ lượng nhỏ.

– Khoáng sản kim loại: thiếc (Tĩnh Túc – Cao bằng), chì – kẽm (Chợ Điền – Bắc Kạn), đồng – vàng (Sinh Quyền – Lào Cai), đồng – niken (Tạ Khoa – Sơn La), sắt (Trại Cau – Thái Nguyên; Quý Sa – Yên Bái; Tùng Bá – Hà Giang), bôxit (Cao Bằng, Lạng Sơn).

– Khoáng sản phi kim loại: apatit (Cam Đường – Lào Cai) trữ lượng trên 2 tỉ tấn, pirit (Phú Thọ), phôtphorit (Lạng Sơn).

– Vật liệu xây dựng: đá vôi có ở nhiều tỉnh, cao lanh, sét xây dựng (Quảng Ninh), đá quý (Yên Bái), đất hiếm (Lai Châu).

b) Khí hậu và nguồn nước

– Mang tính chất nhiệt đới gió mùa và có mùa đông lạnh nhất nước ta nên có điều kiện phát triển các sản phẩm cây công nghiệp cận nhiệt và ôn đới, cây đặc sản và rau ôn đới.

– Vùng là nơi bắt nguồn của nhiều con sông hoặc thượng lưu các con sông lớn nên có tiềm năng lớn về thuỷ điện. Hệ thống sông Hồng chiếm 37% trữ lượng thuỷ điện của cả nước.

c) Đất đai

– Chủ yếu là đất feralit phát triển trên đá phiến,  đá vôi và các loại đá mẹ khác. Vùng trung du có đất bạc màu. Tài nguyên đất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp như cây chè, cây đặc sản như hồi, quế, tam thất và các cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, mía, thuốc lá, đỗ tương…

– Đất phù sa dọc các thung lũng và các cánh đồng trước núi như Nghĩa Lộ (Yên bái), Trùng Khánh, Thất Khê (Cao Bằng), Mường Thanh (Điện Biên) có thể trồng các cây lương thực.

– Trên các cao nguyên còn có một số đồng cỏ nhỏ có điều kiện phát triển chăn nuôi.

d) Tài nguyên sinh vật 

– Diện tích đất lâm nghiệp có rừng năm 2003 là 4255,7 nghìn ha (chiếm 42,2% đất lâm nghiệp có rừng của cả nước). Ngoài giá trị về mặt kinh tế, rừng ở đây còn có giá trị hạn chế lũ quét, chống xói mòn đất, nhất là rừng đầu nguồn.

– Vùng biển Quảng Ninh có ngư trường lớn của vịnh Bắc Bộ. Dọc bờ biển và các đảo ven bờ có thể nuôi trồng thuỷ sản.

e) Tài nguyên du lịch rất phong phú

– Du lịch núi: Sa pa, Tam Đảo, Mẫu Sơn…

– Du lịch biển: vịnh Hạ Long, Bái Tử Long,…

3. Là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc ít người

– Trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều dân tộc ít người cư trú (Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Mông…). Các thế mạnh về  kinh tế ngày càng được phát huy sẽ dần dần xóa bỏ sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa miền ngược và miền xuôi.

– Mỗi dân tộc có phong tục, tập quán, kinh nghiệm sản xuất riêng. Điều đó đã tạo ra một nền kinh tế đa dạng. 

4. Tập trung một số cơ sở kinh tế quan trọng của đất nước

– Công nghiệp: tập trung các cơ sở khai khoáng, khai thác chế biến lâm sản; các nhà máy thuỷ điện lớn nhất cả nước như nhà máy thuỷ điện Hòa Bình (1920 MW), Tuyên Quang (342 MW), Thác Bà (110 MW). Một số trung tâm công nghiệp đã hình thành như Hạ Long, Cẩm Phả, Việt trì, Thái Nguyên.

– Nông nghiệp: là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn thứ 3 và là vùng chăn nuôi đại gia súc lớn nhất nước ta.

– Tập trung nhiều tuyến giao thông huyết mạch như đường số 2 (Hà Nội – Việt Trì – Tuyên Quang – Hà Giang), số 3 (Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng), số 4 (Cao Bằng – Lạng Sơn – Móng Cái), số 6 (Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên).

– Một số trung tâm du lịch có ý nghĩa trong vùng như Hạ Long, Lạng Sơn, Thái Nguyên,…

 

Câu 53. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích nguồn tài nguyên khoáng sản và ảnh hưởncủa nó tới sự phát triển và phân bố công nghiệp ở Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Gợi ý trả lời

1. Tài nguyên khoáng sản của Trung du và miền núi Bắc Bộ

– Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có tiềm năng khoáng sản lớn nhất so với các vùng khác trong cả nước (số lượng, trữ lượng một số loại khoáng sản).

– Khoáng sản nhiên liệu:

+ Than tập trung ở bể than Đông Bắc (6,5 tỉ tấn)

· Than antraxit là loại than có chất lượng tốt nhất. Tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh (90% trữ lượng than cả nước). Các mỏ đã và đang khai thác ở khu vực: Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả, Mạo Khê, Mông Dương,…

· Than mỡ: Phấn Mễ (Thái Nguyên), Quỳnh Nhai (Điện Biên), Sơn Dương (Tuyên Quang).

– Khoáng sản kim loại:

+ Kim loại đen: 

·  Sắt: Tùng Bá (Hà Giang), Quý Xa (Yên Bái), Trại Cau (Thái Nguyên).

·  Mangan: Tốc Tát (Cao Bằng), Tuyên Quang.  

·  Ti tan: Sơn Dương (Tuyên Quang).

+ Kim loại màu:

·  Chì – kẽm: Chợ Điền (Bắc Kạn).

·  Thiếc – vonfram: Tĩnh Túc (Cao Bằng), Sơn Dương (Tuyên Quang). 

·  Đồng – vàng: Sinh Quyền (Lào Cai), Tạ Khoa (Sơn La).

·  Vàng: Na Rì (Bắc Kạn).

·  Bôxit: Cao Bằng, Lạng Sơn.

·  Đất hiếm: Lai Châu.

– Khoáng sản phi kim loại:

+ Apatit: Cam Đường (Lào Cai). Mỗi năm sản xuất 600 nghìn tấn quặng để sản xuất phân lân.

+ Pirit: Phú Thọ.

+ Phốtphorit: Hữu Lũng (Lạng Sơn).

+ Đá quý: Lục Yên (Yên Bái).

+ Đá vôi phân bố rộng khắp.

2. Ảnh hưởng của tài nguyên khoáng sản đối với sự phát triển và phân bố công nghiệp

a) Thuận lợi

– Một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị kinh tế cao là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp nặng (khai khoáng, năng lượng, luyện kim, hóa chất).

+ Khoáng sản nhiên liệu – năng lượng (than): 

·  Sản lượng khai thác tăng liên tục qua các năm từ 11,6 triệu tấn (năm 2000) lên 42,5 triệu tấn (năm 2007). Phần lớn sản lượng này được khai thác ở Quảng Ninh. 

·  Đây là nguồn nhiên liệu quan trọng để phát triển các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than (Ninh Bình, Uông Bí, Phả Lại, Na Dương) và là nguyên liệu của ngành luyện kim (than mỡ dùng để luyện cốc ở nhà máy gang thép Thái Nguyên).

+ Khoáng sản kim loại (sắt, thiếc, bôxit, đồng) là nguyên liệu cơ bản phát triển ngành luyện kim đen (trung tâm gang thép Thái Nguyên), nhà máy luyện kim màu (thiếc – Tĩnh Túc).

+ Nhóm phi kim loại (apait, đá vôi, sét) là nguyên liệu cần thiết để phát triển công nghiệp hóa chất phân bón (Việt Trì, Bắc Giang), công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (Việt Trì, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Sơn La).

– Sự phân bố khoáng sản ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình hình thành cơ cấu ngành và hướng chuyên môn hóa của các trung tâm công nghiệp trong vùng.

+ Hạ Long và Cẩm Phả có hướng chuyên môn hóa là khai thác than.

+ Thái Nguyên: luyện kim đen, luyện kim màu, sản xuất vật liệu xây dựng.

+ Việt Trì: hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng.

 

– Nhiều điểm công nghiệp trong vùng được hình thành gắn liền với hoạt động khai thác khoáng sản: Tĩnh Túc – Cao Bằng (khai thác thiếc), Cam Đường – Lào Cai (khai thác apatit), Chợ Đồn – Bắc Cạn (khai thác chì – kẽm), Lạng Sơn (sản xuất vật liệu xây dựng). Sinh Quyền – Lào Cai (khai thác đồng).

b) Khó khăn

– Phần lớn là các mỏ quy mô nhỏ, ý nghĩa địa phương.

– Phân bố ở những nơi giao thông chưa phát triển, địa hình hiểm trở.

– Các vỉa quặng thường nằm sâu trong lòng đất, khi khai thác đòi hỏi công nghệ hiện đại, chi phí sản xuất lớn.

– Công nghệ khai thác lạc hậu, dễ bị lãng phí tài nguyên, giá thành khai thác cao 

 

Câu 54. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích tình hình  phát triển và phân bố công nghiệp của Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Gợi ý trả lời

1. Tình hình phát triển 

a) Khái quát chung

– Nhìn chung ngành công nghiệp của vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Biểu hiện:

+ Công nghiệp chiếm tỉ trọng thấp nhất trong cơ cấu GDP (năm 2007 là 29,5%), trong khi tỉ trọng này của cả nước là 41,3%.

+ Giá trị sản xuất công nghiệp của vùng so với cả nước còn thấp: có tới 9/15 tỉnh chiếm tỉ trọng dưới 0,1%; 3/15 tỉnh chiếm 0,1 – 0,5%; 2 tỉnh nằm trong khoảng trên 0,5 – 1% và chỉ có 1 tỉnh chiếm 2,5 – 10% (Quảng Ninh).

+ Mức độ tập trung công nghiệp thấp: cả vùng chỉ có 4 trung tâm công nghiệp, nhưng quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ. Còn lại là các điểm công nghiệp.

– Tuy nhiên, trong vùng đã xuất hiện một số trung tâm công nghiệp có tính chuyên môn hóa rõ rệt:

+ Thái Nguyên: chuyên môn hóa về luyện kim (luyện kim đen và luyện kim màu), cơ khí, vật liệu xây dựng.

+ Hạ Long: than, đóng tàu, cơ khí, chế biến nông sản.

+ Cẩm Phả: than, đóng tàu.

+ Việt Trì: hóa chất, vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến lâm sản và chế biến nông sản.

b) Các ngành công nghiệp chủ yếu

* Các ngành công nghiệp nặng: 

Đây là vùng có nhiều thế mạnh để phát triển các ngành công nghiệp nặng trên cơ sở khai thác các mỏ khoáng sản quan trọng với trữ lượng lớn như than, sắt, đồng, chì, kẽm, thiếc, apatit, pyrite, đất hiếm, đá xây dựng. Các ngành công nghiệp nặng chủ yếu của vùng bao gồm:

– Công nghiệp khai thác than: sản lượng than cả nước chủ yếu được khai thác ở bể than Đông Bắc. Năm 2007, sản lượng đạt 42,5 triệu tấn (tăng 30,8 triệu tấn so với năm 2000). Ngoài bể than Quảng Ninh với sản lượng khai thác đạt 10 triệu tấn/năm, trong vùng còn có các mỏ than có quy mô địa phương như Phú Lương (Thái Nguyên), Quỳnh Nhai (Điện Biên) với sản lượng 1 triệu tấn/năm. Việc khai thác than của vùng nhằm cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh), Phả Lại (Hải Dương), Ninh Bình, Na Dương (Lạng Sơn) và cho xuất khẩu. Còn các mỏ than địa phương khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu cho công nghiệp xây dựng địa phương như sản xuất gạch, ngói hoặc dùng làm chất đốt trong sinh hoạt.

– Công nghiệp điện lực là ngành công nghiệp trọng điểm của vùng và cả nước. Hệ thống các nhà máy điện (thuỷ điện và nhiệt điện) được xây dựng góp phần đảm bảo nhu cầu năng lượng cho vùng này và cho cả nước.

Thủy điện: tập trung ở hệ thống sông Hồng, công suất 11 triệu kW  (chiếm 37%  tiềm năng thuỷ điện của cả nước), riêng sông Đà là 6 triệu kW (chiếm 19% của cả nước).

Các nhà máy thủy điện đã xây dựng:

Thác Bà trên sông Chảy, công suất 110 MW.

Hoà Bình trên sông Đà, công suất 1920 MW. 

Tuyên Quang trên sông Gâm, công suất 342 MW.

·  Đang xây dựng: Thuỷ điện Sơn La, thượng lưu sông Đà, công suất 2400 MW. 

·  Ngoài ra còn có nhiều nhà máy thuỷ điện nhỏ được xây dựng ở phụ lưu các con sông.

+ Nhiệt điện: có 2 nhà máy nhiệt điện công suất nhỏ (dưới 1000 MW) là Uông Bí (Quảng Ninh) và Na Dương (Lạng Sơn).

– Công nghiệp luyện kim đen và luyện kim màu phát triển dựa trên cơ sở khai thác các mỏ sắt, mangan, thiếc, đồng, chì, kẽm. Thái Nguyên là trung tâm công nghiệp luyện kim lớn nhất nước ta. Ngoài ra còn có ở Tĩnh Túc (Cao Bằng).

   – Công nghiệp hóa chất, phân bón tập trung ở Việt Trì và Bắc Giang.

– Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phát triển dựa vào nguồn đất sét và đá vôi làm xi măng và được phân bố rộng rãi: Việt Trì, Thái Nguyên, Lạng  Sơn, Sơn La.

* Các ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm

– Công nghiệp chế biến lương thực phân bố ở nhiều nơi, nhưng chủ yếu là các trung tâm công nghiệp nhỏ và vừa, các điểm công nghiệp: Hạ Long, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang.

– Công nghiệp chế biến chè phát triển dựa trên cơ sở nguồn nguyên liệu khá dồi dào: Thái Nguyên, Yên Bái.

– Công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi: Mộc Châu, Hạ Long.

– Công nghiệp chế biến thuỷ sản ở Hạ Long.

– Công nghiệp dệt may được phát triển dựa trên ưu thế về lao động, nhất là lao động nữ. Việt Trì là trung tâm công nghiệp dệt may của vùng.

– Công nghiệp sản xuất gỗ, giấy, xenlulô phát triển ở nhiều nơi dựa trên nguồn nguyên liệu rừng trồng, tre, nứa khá dồi dào: Việt Trì, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai.

– Công nghiệp giấy, in, văn phòng phẩm chỉ có ở Hạ Long.

2. Phân bố công nghiệp

* Hoạt động công nghiệp có sự phân hóa theo lãnh thổ:

– Khu vực có mức độ tập trung công nghiệp cao thuộc trung du Bắc Bộ và duyên hải.

Dẫn chứng:

+ Tất cả các trung tâm công nghiệp trong vùng đều phân bố ở khu vực trung du và duyên hải như  Hạ Long (quy mô trên 9 – 40 nghìn tỉ đồng), Cẩm Phả, Thái Nguyên, Việt Trì (dưới 9 nghìn tỉ đồng).

+ Giá trị sản xuất công nghiệp  so với cả nước của các tỉnh ở trung du và duyên hải cao hơn hẳn các tỉnh còn lại: Quảng Ninh (trên 2,5 đến 10%), Thái Nguyên, Phú Thọ (0,5 – 1%). Các tỉnh còn lại phần lớn dưới 0,1%.

– Ở các tỉnh vùng núi Tây Bắc và các tỉnh tiếp giáp biên giới, hoạt động công nghiệp kém phát triển. Ở đây mới chỉ xuất hiện các điểm công nghiệp gắn với một số ngành cụ thể như chế biến nông sản, khai thác chế biến gỗ, khai thác khoáng sản. Giá trị sản xuất công nghiệp so với cả nước không đáng kể (dưới 0,1%).

 

C©u 55. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích khả năng và hiện trạng phát triển ngành chăn nuôi gia súc của Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Gợi ý trả lời

1. Khả năng phát triển ngành chăn nuôi

– Cơ sở thức ăn: 

+ Thức ăn từ tự nhiên: vùng có nhiều đồng cỏ, phân bố chủ yếu trên các cao nguyên ở độ cao 600 – 700 m như Mộc Châu, Sơn La. Năng suất đồng cỏ ngày càng được nâng cao. Ngoài ra vùng còn nhập giống cỏ voi, cỏ sữa cho năng suất cao. Đây là cơ sở để chăn nuôi gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê, ngựa. 

+ Thức ăn từ ngành trồng trọt: các khu vực trồng cây lương thực trên quy mô lớn của vùng (Điện Biên, Nghĩa Lộ…) một mặt đảm bảo được nguồn lương thực tại chỗ và mặt khác tạo điều kiện chuyển các loại hoa màu lương thực sang phát triển chăn nuôi.

+ Thức ăn tổng hợp do ngành công nghiệp chế biến thức ăn gia súc sản xuất tạo điều kiện để chăn nuôi công nghiệp ngày càng phổ biến trong vùng.

– Giống gia súc: Vùng có nhiều giống gia súc nổi tiếng như giống trâu ở Tuyên Quang, Yên Bái, lợn Móng Cái, Mường Khương. Ngoài ra hiện nay trong vùng cũng đã sử dụng nhiều giống gia súc nhập có năng suất cao hơn như bò sữa Cu Ba, Hà Lan, bò thịt Thụy Sĩ, trâu sữa Mura (Ấn Độ), lợn Yooc sai, Đại Bạch,

– Cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ chăn nuôi:

+ Hệ thống chuồng trại, trạm thú y được quan tâm phát triển.

+ Áp dụng các biện pháp khoa học kĩ thuật tiên tiến trong việc lai tạo giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao.

+ Công nghiệp chế biến các sản phẩm chăn nuôi phát triển: Mộc Châu, Việt Trì, Hạ Long.

– Thị trường tiêu thụ ngày càng lớn, nhu cầu về thịt, sữa ngày càng cao.

– Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc lớn (vay vốn, hỗ trợ giống, kĩ thuật chăn nuôi…).

– Các thuận lợi khác:

+ Dân cư, lao động có truyền thống, kinh nghiệm chăn nuôi.

+ Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho đồng cỏ tươi tốt quanh năm và cho sự phát triển của đàn gia súc. Hơn nữa, vùng này lại có một mùa đông lạnh tạo điều kiện cho việc đa dạng hóa cơ cấu gia súc (bên cạnh đàn trâu có khả năng chống chịu rét còn có thể nuôi được bò sữa với nhiều giống khác nhau).

– Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia súc của vùng cũng gặp phải những khó khăn:

+ Địa hình bị cắt xẻ, việc giao lưu gặp nhiều khó khăn.

Mùa đông lạnh gây khó khăn cho cỏ phát triển, tình trạng sương muối, sương giá

+ Có nhiều dịch bệnh gây ra cho đàn gia súc.

+ Công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi của vùng còn nhiều hạn chế.

2. Hiện trạng phát triển ngành chăn nuôi gia súc

– Phát triển:

+ Đây là vùng có ngành chăn nuôi gia súc phát triển nhất nước ta. Năm 2008, tổng số đàn trâu và bò của vùng đạt 2912,3 nghìn con, chiếm 30% tổng đàn trâu bò cả nước (trong đó đàn trâu chiếm 59%, bò chiếm 17%). Đàn lợn đạt 5916,3 nghìn con (chiếm 22,4% tổng đàn lợn cả nước).

+ Trong cơ cấu đàn trâu bò của vùng, đàn trâu chiếm tỉ trọng lớn hơn (60,5%), vì trâu chịu lạnh tốt hơn bò và ưa ẩm. Ở đây lại có một số đồng cỏ nhỏ nằm rải rác trên các cao nguyên thích hợp với tập quán chăn thả.

– Phân bố:

+ Gia súc lớn được nuôi nhiều ở các vùng núi cao như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La. Ngoài ra còn được nuôi nhiều ở các tỉnh tiếp giáp với đồng bằng sông Hồng như Bắc Giang, Phú Thọ. Cụ thể:

·      Trâu nuôi nhiều nhất ở các tỉnh vùng cao như Lạng Sơn (182 nghìn con), Sơn La (162 nghìn con), Hà Giang (147 nghìn con), Tuyên Quang (143 nghìn con).

·      Bò sữa được nuôi tập trung ở các cao nguyên như Mộc Châu (Sơn La), trong khi bò thịt được nuôi ở các tỉnh tiếp giáp với đồng bằng sông Hồng (gần thị trường tiêu thụ) như Bắc Giang, Phú Thọ. Các tỉnh có số lượng đàn bò lớn nhất gồm: Phú Thọ (163 nghìn con), Sơn La (160 nghìn con), Bắc Giang (148 nghìn con), Cao Bằng (129 nghìn con).

+ Gia súc nhỏ: Đàn lợn được nuôi nhiều ở các tỉnh trung du như Bắc Giang (1034 nghìn con), Phú Thọ (552 nghìn con).

 

Câu 56. Cho bảng số liệu sau đây

Giá trị sản xuất công nghiệp ở Trung du và miền núi Bắc Bộ

 (giá so sánh 1994)

(Đơn vị: tỉ đồng)

Năm

Vùng

1995

2000

2008

Đông Bắc

4167,6

6868,9

20 696,1

Tây Bắc

320,5

541,2

1994,1

Từ bảng số liệu đã cho kết hợp với Atlat Địa lí Việt Nam, hãy so sánh sự khác nhau về hoạt động công nghiệp giữa Đông Bắc và Tây Bắc. Giải thích nguyên nhân của sự khác biệt.

Gợi ý trả lời

Khái quát chung: 

– Đông Bắc bao gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Ninh.

– Tây Bắc gồm Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.

1. So sánh 

Nhìn chung, Đông Bắc có ngành công nghiệp phát triển hơn hẳn Tây Bắc. Cụ thể:

– Tình hình phát triển:

+ Đông Bắc có giá trị sản xuất công nghiệp cao hơn nhiều lần so với Tây Bắc (gấp 10,4 lần năm 2008).

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của Tây Bắc cao hơn Đông Bắc: Đông Bắc tăng 4,96 lần, Tây Bắc tăng 6,2 lần trong giai đoạn 1995 – 2008.

+ Tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của Đông Bắc có xu hướng giảm trong khi Tây Bắc tăng (tăng 1,7%).

– Cơ cấu ngành: Đông Bắc có cơ cấu ngành đa dạng hơn bao gồm luyện kim đen, luyện kim màu, vật liệu xây dựng, cơ khí, hóa chất, đóng tàu, công nghiệp năng lượng (than, nhiệt điện, thủy điện), công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng. Tây Bắc chỉ có thủy điện là thế mạnh nổi bật. 

– Mức độ tập trung công nghiệp của Đông Bắc cao hơn nhiều so với Tây Bắc:

Đông Bắc có 4 trung tâm công nghiệp là: H¹ Long (quy m« trªn 9 – 40 ngh×n tØ ®ång), CÈm Ph¶, Th¸i Nguyªn, ViÖt Tr× (d­íi 9 ngh×n tØ ®ång).

 

Tây Bắc có mức độ tập trung công nghiệp thấp nhất cả nước. Nơi đây không có trung tâm công nghiệp nào mà chỉ có một số điểm công nghiệp gắn với hoạt động khai thác khoáng sản hoặc chế biến nông sản như Sơn La, Điện Biên Phủ, Quỳnh Nhai.

2. Giải thích

– Công nghiệp Tây Bắc nhỏ bé, kém phát triển hơn Đông Bắc là do điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội của vùng còn gặp nhiều khó khăn.

+ Địa hình núi cao, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn.

+ Tài nguyên khoáng sản ít hơn, khó khai thác và chế biến.

Dân cư thưa thớt nhất cả nước nên thiếu lao động, đặc biệt là lao động có kĩ thuật.

+ Cơ sở vật chất kĩ thuật thiếu thốn, lạc hậu.

Tuy nhiên gần đây, với việc khai thác mạnh mẽ tiềm năng thủy điện trên sông Đà nên công nghiệp Tây Bắc bước đầu có khởi sắc. 

– Công nghiệp Đông Bắc phát triển hơn là do:

+ Vị trí địa lí giáp Đồng bằng sông Hồng, có một phần nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

+ Địa hình thấp hơn, giao thông khá thuận lợi bằng cả đường sông, đường bộ và đường sắt với đồng bằng sông Hồng. Có cửa ngõ thông ra biển.

+ Tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng; một số có trữ lượng lớn như than, sắt, bôxit, thiếc, chì – kẽm, apatit, vật liệu xây dựng,…

+ Đã xây dựng được một số cơ sở vật chất – kĩ thuật phục vụ công nghiệp.    

 

Câu 57. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1. Giải thích tại sao Đồng bằng sông Hồng phải có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành.

2. Phân tích những cơ sở để có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng.

Gợi ý trả lời

1. Đồng bằng sông Hồng phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành vì:

a) Vai trò đặc biệt quan trọng của Đồng bằng sông Hồng trong chiến lược phát triển kinh tế –  xã hội của đất nước

– GDP của vùng năm 2007 chiếm 23% GDP cả nước (chỉ đứng sau Đông Nam Bộ).

– Là vùng trọng điểm lương thực, thực phẩm, vựa lúa lớn thứ 2 của nước ta.

– Là địa bàn phát triển công nghiệp, dịch vụ quan trọng của cả nước.

+ Có mức độ tập trung công nghiệp cao nhất nước ta.

+ Có Hà Nội là thủ đô, trung tâm hành chính, dịch vụ vào loại lớn nhất nước ta.

b) Cơ cấu kinh tế của Đồng bằng sông Hồng có nhiều hạn chế, chưa thật phù hợp với tình hình phát triển kinh tế –  xã hội hiện nay và trong tương lai

– Trong cơ cấu GDP phân theo khu vực kinh tế của vùng năm 2007, khu vực nông, lâm, thuỷ sản vẫn còn chiếm tỉ trọng khá lớn (14%) so với Đông Nam Bộ (6,2%).

– Trong nông nghiệp, lúa vẫn chiếm vai trò chủ đạo, các ngành khác trong nông nghiệp kém phát triển.

– Khu vực công nghiệp – xây dựng mặc dù chiếm tỉ trọng khá cao (42,2%), nhưng lại tập trung chủ yếu vào một số đô thị lớn (Hà Nội, Hải Phòng).

Dẫn chứng: 

+ Trừ Hà Nội (trên 120 nghìn tỉ đồng) và Hải Phòng (từ trên 40 – 120 nghìn tỉ đồng) là 2 trung tâm công nghiệp quy mô lớn, còn lại đều có quy mô nhỏ (dưới 9 nghìn tỉ đồng) và vừa (9 – 40 nghìn tỉ đồng) như Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

+ Giá trị sản xuất công nghiệp tập trung vào một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc (chiếm từ trên 2,5 – 10% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn quốc). Các tỉnh khác phần lớn đều ở mức dưới 1%.

– Các ngành dịch vụ phát triển chậm.  

c) Số dân rất đông, mật độ dân số cao nên việc phát triển kinh tế với cơ cấu cũ không đáp ứng được yêu cầu về sản xuất và đời sống

– Số dân của vùng năm 2007 là 19,5 triệu người chiếm 22,8% dân số cả nước. Do quy mô dân số lớn nên GDP/người của nhiều tỉnh còn dưới mức bình quân cả nước (cả nước 13 triệu đồng/người): Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên.

– Chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người của một số tỉnh trong vùng còn thấp hơn cả một số vùng có nền kinh tế chậm phát triển (Nam Định, Thái Bình, Hải Dương ở mức dưới 4 triệu đồng/người, trong khi Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông đạt 4 – 8 triệu đồng/người).

d) Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế mang lại hiệu quả cao về kinh tế – xã hội

– Sử dụng có hiệu quả những thế mạnh về tự nhiên và kinh tế – xã hội vốn có của đồng bằng, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân.

– Đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao, gắn việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.

– Phù hợp với xu thế chung của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của đất nước.

2. Cơ sở để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành

– Vị trí địa lí:

+ Nằm ở trung tâm Bắc Bộ, giáp các vùng có nhiều thế mạnh về kinh tế (Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ) và một vùng biển giàu tiềm năng.

+ Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

– Tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú:

+ Đất đai:

·  Diện tích đất nông nghiệp hơn 1 triệu ha.

·  Đất phù sa màu mỡ (70% đất nông nghiệp có độ phì cao và trung bình).

+ Khí hậu:

·  Nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh.

·  Thuận lợi cho việc tăng vụ với cơ cấu cây trồng đa dạng.

+ Nguồn nước:

·  Mạng lưới sông ngòi dày đặc, nước sông chứa nhiều phù sa.

·  Nước dưới đất tương đối dồi dào, chất lượng tốt.

+ Biển:

·  Có đường bờ biển dài trên 400 km.

·  Tài nguyên phong phú thuận lợi cho sự phát triển nhiều ngành kinh tế biển.

+ Khoáng sản: đá vôi, đất sét trắng, khí đốt, than nâu.

– Dân cư đông, nguồn lao động dồi dào:

+ Số dân đông, mật độ dân số cao nhất trong cả nước (năm 2007 là 19,5 triệu người, chiếm 22,5% dân số cả nước, mật độ 1300 người/km2), là thị trường tiêu thụ rộng lớn.

+ Nguồn lao động dồi dào, có truyền thống và kinh nghiệm sản xuất, tỉ lệ lao động có kĩ thuật tương đối lớn so với các vùng khác

– Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kĩ thuật phục vụ cho các ngành kinh tế khác tương đối tốt:

+ Giao thông vận tải: 

·      Mạng lưới đường ô tô phát triển với nhiều tuyến đường quan trọng (đường 1, 2, 3, 6, 18, 32).

·      Mạng lưới đường sắt, đường hàng không phát triển mạnh.

+ Cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ sản xuất:

·      Các cơ sở sản xuất công nghiệp (nhà máy, xí nghiệp).

·      Các công trình thuỷ lợi lớn.

– Các cơ sở khác:

+ Thời cơ và thách thức của vùng với xu thế chung của thế giới và trong nước.

+ Đường lối, chính sách.

 

Câu 58. Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích tiềm năng và hiện trạng phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ở Đồng bằng sông Hồng.

Gợi ý trả lời

1. Tiềm năng phát triển

– Nguồn lao động:

+ Dân số đông (trên 19,5 triệu người), lực lượng lao động đông đảo, đặc biệt là lao động nữ.

+ Lao động có tay nghề, nhất là đối với công nghiệp dệt – may.

+ Giá nhân công tương đối rẻ là điều kiện thuận lợi cho việc hạ giá thành sản phẩm và tham gia lao động gia công hàng xuất khẩu.

– Thị trường tiêu thụ rộng lớn:

Thị trường tại chỗ: dân số đông, đời sống ngày càng được cải thiện nên nhu cầu về sản phẩm của ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ngày càng lớn.

Thị trường trong nước: nhu cầu trong nước về sản phẩm của ngành này cũng rất lớn.

+ Thị trường quốc tế ngày càng mở rộng. Các sản phẩm của công nghiệp dệt – may, da – giày từ cả nước nói chung và vùng này nói riêng đã thâm nhập được vào các thị trường tiềm năng như EU, Hoa Kì, Nhật Bản bên cạnh các thị trường truyền thống (Nga, các nước Đông Âu).

+ Các sản phẩm của ngành trong vùng ngày càng có uy tín trên thị trường với các thương hiệu như may Sông Hồng, Hanosimex, giày Thượng Đình…

– Nguồn nguyên liệu tại chỗ ít nhiều có thể sử dụng, nhất là đối với ngành dệt.

+ Trồng dâu nuôi tằm  là nghề truyền thống của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

 

+ Các  cây công nghiệp: đay được trồng ở vùng bãi bồi ven sông; cói ở các tỉnh ven biển như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.

+ Tuy nhiên, phần lớn nguyên liệu phải nhập từ  nước ngoài.

– Cơ sở vật chất – kĩ thuật phát triển khá mạnh:

+ Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng là ngành công nghiệp truyền thống, được  phát triển từ lâu  đời:         

·  Một số cơ sở sản xuất đã hình thành cách đây hàng trăm năm. 

·  Nhà máy dệt Nam Định là đứa con đầu lòng của ngành dệt may Việt Nam.

+ Các cơ sở công nghiệp quan trọng hầu hết tập trung ở các thành phố đông dân (Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng).

– Thuận lợi khác:

+ Với sự hình thành của các khu công nghiệp ở nhiều tỉnh, đặc biệt là các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng ngày càng thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng nhằm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

+ Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng là ngành công nghiệp trọng điểm nên được Nhà nước quan tâm đầu tư.

2. Hiện trạng phát triển

– Quy mô: có 1 trung tâm công nghiệp quy mô rất lớn (Hà Nội), 1 trung tâm công nghiệp quy mô lớn (Hải Phòng), 2 trung tâm quy mô vừa (Nam Định, Hải Dương), 2 trung tâm quy mô nhỏ (Phúc Yên, Phủ Lý).

– Cơ cấu ngành đa dạng: dệt may; da giày; gỗ, giấy, xenlulô; giấy, in, văn phòng phẩm.

– Mức độ tập trung công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng dày đặc nhất cả nước: có 6/7 trung tâm công nghiệp trong vùng có ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng

+ Công nghiệp dệt, may phân bố rộng rãi nhất (Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định).

+ Công nghiệp da, giày: Hà Nội, Hải Phòng là 2 trung tâm công nghiệp da giày lớn nhất vùng. Ngoài ra còn có ở Hải Dương, Phủ Lý.

+ Công nghiệp sản xuất gỗ, giấy, xenlulô có mức độ tập trung thấp hơn so với  các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng khác và chỉ có ở 2 đô thị lớn là Hà Nội và Hải Phòng.

+ Công nghiệp giấy, in, văn phòng phẩm  phát triển ở nhiều nơi do thị trường có nhu cầu lớn : Hà Nội, Hải Phòng, Phúc Yên, Hải Dương, Nam Định.

 

Cõu 59. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, kiến thức đã học và kết hợp bảng số liệu sau đây:

Diện tích lúa cả năm, sản lượng luá, sản lượng lương thực bình quân đầu người  của cả nước, Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long

 

Năm

Cả nước

Đồng bằng sông Hồng

Đồng bằng sông Cửu Long

DT

(nghìn ha)

SL

(nghìn  tấn)

BQ

(kg)

DT

(nghìn ha)

SL

(nghìn  tấn)

BQ

(kg)

DT

(nghìn ha)

SL

(nghìn  tấn)

BQ

(kg)

2000

7.666

32.530

419

1.261

6.762

374

3.946

16.703

1.022

2005

7.329

35.832

431

1.186

6.398

335

3.826

19.298

1.118

2007

7.207

35.942

422

1.158

6.501

333

3.683

18.679

1.065

         Hãy so sánh ngành sản xuất lúa giữa Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

Gợi ý trả lời

1. Giống nhau

a) Vai trò  

   Hai vùng trọng điểm có vai trò quyết định trong việc đảm bảo nhu cầu ăn trong n­ước và xuất khẩu. 

b) Điều kiện phát triển

– Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:

+ Hai đồng bằng châu thổ lớn nhất cả nước.

  + Địa hình bằng phằng thuận lợi cho việc cơ giới hoá và công tác thuỷ lợi.

+ Đất phù sa châu thổ, màu mỡ do sông ngòi bồi đắp.

+ Khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm, mư­a nhiều tạo điều kiện cho cây trồng phát triển nhanh, năng suất cao.

+ Có các sông lớn chảy qua với lượng nước phong phú và nguồn phù sa quý giá đối với cây trồng.

–  Điều kiện kinh tế – xã hội: 

+ Là vùng đông dân, nguồn lao động dồi dào, có kinh nghiệm thâm canh lúa.

+ Có nhiều cơ sở chế biến nguyên liệu từ lương thực, thực phẩm. 

+ Trên 2 đồng bằng có hệ thống các đô thị lớn.

c) Tình hình sản xuất

– Về quy mô: đây là 2 vùng trọng điểm lúa quan trọng nhất cả nư­ớc.

+ Hai vùng chiếm tỉ trọng cao về diện tích và sản lượng lúa so với cả nước và có xu hướng tăng lên.

Sản xuất lúa ở 2 vùng trọng điểm so với cả nước

Năm

Diện tích

Sản lượng

Nghìn ha

% cả nước

Nghìn tấn 

% cả nước

2000

5207

67,9

23492

72,2

2005

5012

68,3

25696

71,7

2007

4841

67,2

25180

70,1

+ Tỉ trọng về sản lượng cao hơn tỉ trọng về diện tích gieo trồng lúa (do đây là 2 vùng có năng suất lúa cao nhất cả nước).

 – Về cơ cấu, lúa chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu cây trồng.

– Tình hình 

+ Diện tích gieo trồng có xu hướng giảm do chuyển mục đích sử dụng (đất ở, đất cho giao thông, công nghiệp, đô thị,…).

+ Sản lượng có nhiều biến động: lúc tăng, lúc giảm do sự biến động về diện tích gieo trồng, thiên tai…

+ Bình quân sản lượng lúa theo đầu người trong 2 năm gần đây giảm nhẹ (do sản lượng lương thực giảm trong khi tốc độ tăng dân số vẫn còn cao).

2. Khác nhau

a) Vai trò

Đồng bằng sông cửu Long là vùng trọng điểm số 1, Đồng bằng sông Hồng là vùng trọng điểm số 2 của cả nước.

b) Điều kiện phát triển

– Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:

+ Đồng bằng sông Hồng do đắp đê nên chủ yếu là đất phù sa không còn được bồi đắp hằng năm, còn Đồng bằng sông Cửu Long do không có hệ thống đê nên chủ yếu là đất phù sa vẫn đư­ợc bồi đắp hằng năm. 

+ Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều diện tích đất hoang hoá hơn so với Đồng bằng sông Hồng (67 vạn ha so với 2 vạn ha).

+ Đất ở Đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn, nhiễm phèn là chủ yếu, trong khi đó ở Đồng bằng sông Hồng là đất bạc màu.

+ Khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long mang tính chất cận xích đạo, có 2 mùa mư­a và khô rõ rệt, mùa khô thư­ờng thiếu nư­ớc nghiêm trọng. Còn khí hậu ở Đồng bằng sông Hồng mang tính chất nhiệt đới gió mùa có một mùa đông lạnh nên cơ cấu cây trồng đa dạng hơn.

+ Hệ thống sông Hồng hay gây lũ vào mùa hạ, còn sông Cửu Long mùa lũ chậm hơn.

+ Đồng bằng sông Hồng chịu nhiều thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán…) hơn.

– Điều kiện kinh tế – xã hội:

+ Dân cư­ của Đồng bằng sông Hồng đông đúc hơn nhiều (với mật độ dân số cao nhất cả nư­ớc).

+ Trình độ thâm canh cao nhất cả nư­ớc, hệ số sử dụng đất lớn hơn. 

+ Đồng bằng sông Hồng có lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời hơn so với đồng bằng sông Cửu Long.

+ Cơ sở vật chất – kĩ thuật, cơ sở hạ tầng của đồng bằng sông Hồng phát triển mạnh hơn so với đồng bằng sông Cửu Long. Được sự hỗ trợ của các ngành công nghiệp nhiều hơn.

c) Tình hình sản xuất 

Tỉ trọng một số tiêu chí về sản xuất lúa của Đồng bằng 

sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long so với cả nước, năm 2007

(Đơn vị: %)

Tiêu chí

Cả nước

ĐBSH

ĐBSCL

Diện tích lúa 

100,0

16,1

51,1

Sản lượng lúa 

100,0

18,1

51,9

Năng suất lúa cả năm

100,0

112,4

101,6

Bình quân sản lượng lúa theo đầu người 

100,0

78,9

252,4

– Hầu hết các tiêu chí về sản xuất lúa (sản lượng, diện tích, bình quân theo đầu người) của Đồng bằng sông Cửu Long đều cao hơn so với Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Điều đó chứng tỏ Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm quan trọng nhất cả nước.

– Năng suất lúa của Đồng bằng sông Hồng cao hơn Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này là bằng chứng cho thấy Đồng bằng sông Hồng có trình độ thâm canh cao hơn Đồng bằng sông Cửu Long.   

 

Câu 60. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích cơ sở khoa học để hình thành cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp ở Duyên hải miền Trung.

Gợi ý trả lời

Cơ sở khoa học để hình thành cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp ở Duyên hải miền Trung:

1. Sự phân hóa về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

– Hình dạng lãnh thổ hẹp ngang theo chiều Đông – Tây, nhưng lại kéo dài theo chiều Bắc – Nam. Phía tây là đồi núi, giữa là đồng bằng, phía đông là vùng biển rộng lớn. 

– Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên có sự phân hóa rõ rệt theo chiều Đông – Tây.

+ Địa hình thay đổi rõ rệt theo chiều Đông – Tây, từ vùng bờ biển qua đồng bằng duyên hải, vượt qua vùng đồi chuyển tiếp nhỏ hẹp tới vùng núi cao ở phía tây.

+ Từ Đông sang Tây có nhiều loại đất khác nhau như đất mặn, đất cát, đất phù sa, đất xám trên phù sa cổ, đất feralit trên các loại đá khác, đất khác và núi đá.

Thảm thực vật nhìn chung cũng có sự phân hóa theo chiều Đông – Tây, đi từ thảm thực vật nông nghiệp đến rừng trồng, rừng thưa và rừng kín thường xanh.

– Chính sự phân hóa các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đã tạo nên tiền đề để hình thành cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả thế mạnh của vùng.

2. Việc hình thành cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp có ý nghĩa lớn đối với quá trình hình thành cơ cấu kinh tế chung của vùng

– Cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp góp phần tạo nên cơ cấu ngành và thế liên hoàn trong quá trình hình thành cơ cấu theo lãnh thổ giữa các khu vực núi, đồi, đồng bằng và ven biển.

– Nông, lâm, ngư nghiệp là thế mạnh của Duyên hải miền Trung, là cơ sở ban đầu cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

– Các tỉnh Duyên hải miền Trung đều có khu vực núi, gò đồi, đồng bằng và ven biển với các thế mạnh của mỗi khu vực trong sự liên kết chặt chẽ với nhau. Trên cơ sở đó có thể hình thành nhiều mô hình kết hợp như nông – ngư, nông – lâm – ngư…

– Việc phát triển lâm nghiệp vừa cho phép khai thác thế mạnh về tài nguyên rừng, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên đất, hạn chế lũ lụt.

– Việc phát triển các mô hình nông – lâm kết hợp ở khu vực gò đồi có tác dụng sử dụng hợp lí tài nguyên, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận dân cư.

– Việc phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển vừa tạo điều kiện bảo vệ môi trường, vừa chống nạn cát bay làm thu hẹp diện tích các đồng bằng nhỏ hẹp ven biển,

– Việc khai thác và nuôi thủy sản vừa góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội, vừa khai thác thế mạnh của vùng. Việc nuôi tôm trên cát cho phép tận dụng các diện tích đất khô cằn để đem lại hiệu quả kinh tế.

3. Vùng có nhiều thế mạnh để hình thành cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp

a)  Thế mạnh về nông nghiệp 

– Thế mạnh này dựa trên cơ sở khai thác tổng hợp các lợi thế về nông nghiệp của khu vực trung du – miền núi và đồng bằng – ven biển.

– Các đồng bằng tuy nhỏ hẹp (riêng đồng bằng Thanh – Nghệ – Tĩnh tương đối lớn) chủ yếu là đất cát pha, nhưng thuận lợi cho việc trồng cây công nghiệp ngắn ngày (mía, lạc, thuốc lá), cây ăn quả (cam, chanh, xoài, nho..). Về chăn nuôi, chủ yếu là chăn nuôi lợn, gia cầm…

– Vùng đồi trước núi có thế mạnh về chăn nuôi đại gia súc (đàn bò chiếm hơn 50% số lượng bò của cả nước).

– Một số nơi hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm (nhất là những nơi có diện tích đất đỏ badan): cà phê ở Tây Nghệ An và Quảng Trị, cao su, hồ tiêu ở Quảng Bình, Quảng Trị. Ngoài ra ở khu vực đất mặn ven biển có thể trồng dừa (Bình Định).

b) Thế mạnh về lâm nghiệp 

– Tài nguyên lâm nghiệp của vùng đứng sau Tây Nguyên cả về diện tích và trữ lượng với độ che phủ rừng khoảng 40%.

– Rừng tập trung chủ yếu ở phía tây, giáp biên giới Việt – Lào, trong rừng có nhiều loại gỗ quý, lâm sản và động vật hiếm.

– Các cơ sở chế biến lâm sản tập trung chủ yếu ở Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn.

c) Thế mạnh về ngư nghiệp 

– Tất cả các tỉnh, thành phố trong vùng đều giáp biển, với chiều dài 1800 km; có vùng biển rộng, nhiều bãi tôm, bãi cá, nhất là biển cực Nam trung Bộ thuộc ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu, thuận lợi cho đánh bắt hải sản (nhất là đối với các tỉnh thuộc Duyên hải Nam Trung Bộ).

– Bờ biển có nhiều vũng vịnh đầm phá, thuận lợi để nuôi trồng thuỷ sản.

– Hoạt động chế biến hải sản ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều sản phẩm nổi tiếng; ngành thuỷ sản có vai trò ngày càng to lớn trong việc giải quyết vấn đề thực phẩm của vùng, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa. Cần chú ý khai thác hợp lí và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong vùng.

…………………………………………

#tradapan