Lễ phục Cổn miện thời Lý

 

trang-phuc-con-mien

Cổn miện được các vị quân chủ Việt Nam sử dụng từ rất sớm. “Đại Việt sử ký toàn thư”, quyển 1, kỷ nhà Đinh có nhắc đến áo cổn như sau: “Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế.” (Nguyên văn chữ Hán và phiên âm: 太后見眾心悅服命,以龍衮加桓身請即帝位 – Thái hậu kiến chúng tâm duyệt phục mệnh, dĩ long cổn gia Hoàn thân thỉnh tức đế vị)

Ghi chép về cổn miện thời Lý – Trần trong sử sách tuy không nhiều nhưng vẫn có thể khảo cứu và dựa vào để đưa ra phỏng đoán về kết cấu của bộ lễ phục này, tỷ như trong “Đại Việt sử lược”, quyển 3 có nhắc đến sự kiện Trần Tự Khánh (陳嗣慶) trả lại mũ Bình thiên cho Lý Huệ Tông (李惠宗). “An Nam chí lược” (安南志略) của tác giả Lê Tắc (黎崱) cũng ghi chép về quy chế cổn miện như sau:

“Các chương phủ phất, đại phấn, hoa trùng (hoa văn trên áo cổn)

Tổ thụ: lụa thắt lưng.

Thuỳ bội: dải ngọc đeo ở hông

Phương tâm: tấm phụ tâm vuông đính trước ngực áo.

Khúc lĩnh: cổ áo tràng.

Miện lưu: dải tua đính ở mũ miện, đều hơi giống Trung Quốc.

Quốc chủ có mũ Bình thiên (平天冠), mũ Quyển vân (卷雲冠), mũ Phù dung (芙蓉冠), mặc áo Cổn (袞衣), đeo đai Kim Long, cổ khoác phương tâm khúc lĩnh bằng là trắng thêu bó gấm đính vàng, trân châu, tay cầm ngọc khuê. Phàm tết lễ nhận quần thần lạy mừng.”

Dựa trên bức phù điêu “Ngô gia thị bi” tại chùa Dầu (Hà Nam), kèm theo đó là khảo cứu sử liệu, hiện vật của cả Trung Hoa và Việt Nam, chúng tôi phỏng đoán kết cấu của trang phục cổn miện thời Lý – Trần có nét tương đối giống với trang phục cổn miện thời Đường – Tống.

Phác thảo Cổn miện Lý – Trần dựa trên công trình khảo cứu của đội ngũ Đại Việt Phong Hoa
Phác thảo Cổn miện Lý – Trần dựa trên công trình khảo cứu của đội ngũ Đại Việt Phong Hoa. (Ảnh A Nùng)

Xem thêm: Quy chế triều phục bá quan thời Lê Trung Hưng 1725 – 1789

Các triều đại của Việt Nam ta chủ trương “nội đế ngoại vương”, xưng thần và nhận sắc phong vương của Thiên tử Trung Hoa nhưng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia cũng như trong mối quan hệ bang giao với các vương quốc láng giếng thì vẫn luôn thể hiện vị thế của hoàng đế, bởi vậy quy chế Cổn phục của “Nam đế” cũng sẽ đầy đủ như của quân chủ Trung Quốc, bao gồm mũ miện (còn gọi là mũ Bình Thiên), trên miện bản đính 12 dây lưu, áo cổn có đủ 12 chương (hoa văn) bao gồm: Nhật (日- mặt trời), Nguyệt (月- mặt trăng), Tinh Thìn (星辰- chòm sao), Tảo (藻), Phấn mễ (粉米- gạo trắng), Phủ (黼- rìu), Phất (黻- thể hiện hai mặt tốt-xấu), Long (龍- rồng), Hỏa (火- lửa), Sơn (山-núi), Hoa trùng (華蟲- chim trĩ), Tông di (宗彝- Cặp cốc có hình con hổ và con khỉ, là đồ dùng trong lễ tế xưa) và các phụ kiện như thụ, tế tất, thường, đai, phương tâm khúc lĩnh…

Xem thêm tại đây