Quy chế triều phục bá quan thời Lê Trung Hưng 1725

 

Có 2 mốc thời gian đánh dấu sự thay đổi về quy chế Triều phục bá quan, đó là năm 1661 (năm Vĩnh Thọ thứ 4 thời Lê Thần Tông) và năm 1725 (năm Bảo Thái thứ 6 thời Lê Dụ Tông).

Trong bài viết này, Đại Việt Phong Hoa xin giới thiệu tới các bạn quy chế trang phục bá quan thời Lê Trung Hưng năm 1725 với nguồn tài liệu khảo cứu chủ yếu là Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (bao gồm bản dịch ra chữ Quốc ngữ và song song với đó là đối chiếu với bản chữ Hán).

 

Quy chế triều phục bá quan thời Lê Trung Hưng 1725 - 1789
Quy chế triều phục bá quan thời Lê Trung Hưng 1725 – 1789

Bào phục

Từ quan Nhất phẩm đến Tam phẩm dùng màu đỏ; Tứ phẩm, Ngũ phẩm dùng màu lục, Lục phẩm trở xuống dùng màu xanh.

– Nhất phẩm đến Tam phẩm đội mũ Phốc đầu gắn trang sức bằng bạc.

– Quan Tứ phẩm và Ngũ phẩm, về hàng Võ đội Nón sơn bạc; về hàng Văn, đội mũ Phốc Đầu gắn trang sức bằng thau.

Từ Lục phẩm trở xuống, về hàng Võ đội Nón sơn son: về hàng Văn đội mũ Phốc Đầu không trang sức.

Viên quan giữ việc hình pháp (Pháp quan) đội mũ Giải Trãi.

Đai lưng

– Quan Nhất phẩm, Nhị phẩm dùng sừng con hoa tê, gắn trang sức bằng bạc, bọc lụa đỏ.

– Quan Tam phẩm dùng đai đồi mồi gắn trang sức bằng bạc;  riêng đai lưng của Đô ngự sử giống như đai của viên quan hàm Nhị phẩm.

– Quan Tứ phẩm, Ngũ phẩm về hàng Võ, đai thắt dùng màu tía; về hàng Văn, dùng đồi mồi viền thau, bọc đoạn thâm.

Quan từ hàm Lục phẩm trở xuống, về hàng Võ đai thắt dùng màu xanh, về hàng Văn dùng gỗ tốc hương viền thau, bọc đoạn thâm.

Bổ tử

– Quan Nhất phẩm, Nhị phẩm, về hàng Văn dùng hình con Tiên Hạc; về hàng Võ, dùng hình con Bạch Trạch.

– Tam phẩm, về hàng Võ dùng hình con Sư Tử, về hàng Văn dùng hình con Cẩm Kê (Chim trĩ).

– Tứ phẩm về hàng Võdùng hình con Hổ, về hàng Văn dùng hình Khổng Tước (con công).

– Ngũ phẩm, về hàng Võ dùng hình con Báo, về hàng Văn dùng hình Vân Nhạn (Vịt trời).

– Từ Lục phẩm trở xuống, về hàng Võ dùng hình Tượng (con voi), về hàng Văn dùng hình con Bạch Nhàn (Gà lôi trắng).
Viên quan giữ việc hình pháp dùng bổ tử thêu con Giải Trãi.

————–

Nguồn: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn – Viện Sử Học – Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Chính Biên – Quyển XXXVI. Nhà xuất bản Giáo Dục – Hà Nội (1998).

Đại Việt Phong Hoa

xem thêm tại đây